Hiệu quả sản xuất “2 năm, 5 vụ” ở Phú Tân

20/11/2023 - 06:23

 - Để điều chỉnh, sắp xếp lại lịch thời vụ nhằm khắc phục tình trạng suy thoái đất, nước, sâu bệnh, năng suất lúa, nếp thấp... huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) là địa phương đầu tiên trong tỉnh xin chủ trương xả lũ 50% trong vụ thu đông và thực hiện sản xuất “2 năm, 5 vụ”. Duy trì qua 5 năm, với những hiệu quả mang lại và sự đồng thuận của người dân cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn. UBND huyện Phú Tân tiếp tục duy trì “dài hơi” chủ trương này đến năm 2026.

Nông dân sản xuất lúa, nếp thụ hưởng những lợi ích thiết thực từ chủ trương “2 năm, 5 vụ”

Trước khi có chủ trương này, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và nông dân đều nhận thấy những tồn tại khi sản xuất lúa, nếp theo chu kỳ “3 năm, 8 vụ”. Trong đó, có đặc điểm sinh trưởng của cây nếp, quá trình canh tác gặp khó (sâu, bệnh, đổ, ngã), độ phì nhiêu trong đất giảm dần làm ảnh hưởng đến năng suất…

Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy và sự quyết tâm của lãnh đạo huyện (thông qua tờ trình 3402/TTr-UBND, ngày 31/10/2018 của UBND huyện Phú Tân), UBND tỉnh đã chấp thuận cho huyện thí điểm xả lũ 50% diện tích vụ thu đông năm 2019 và 2020.

Năm đầu thực hiện thí điểm sản xuất “2 năm, 5 vụ”, nhiều nông dân ở “xứ nếp” không khỏi băn khoăn, lo lắng, thậm chí còn giữ quan niệm "thà lời ít còn hơn để đất bỏ không". Công tác tuyên truyền, vận động được cả hệ thống chính trị ưu tiên trên hết.

Đặc biệt, ở các tiểu vùng thực hiện xả lũ lần đầu, lãnh đạo UBND huyện, các phòng chuyên môn phối hợp các xã xuống tận địa bàn họp dân, giải thích, phân tích những lợi thế của chủ trương để tạo sự đồng thuận. UBND huyện còn chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo và điều hành sản xuất theo khung thời vụ chung của tỉnh và điều kiện thực tế địa phương.

Huyện cù lao đã tiên phong thực hiện sản xuất 50% diện tích (11.286ha ở 11 tiểu vùng), xả lũ 50% diện tích (12.569ha ở 10 tiểu vùng) vụ thu đông năm 2019. So sánh diện tích nhiễm dịch hại 2 năm liền kề, thì quy trình sản xuất mới đã giúp giảm dịch hại, nhất là giảm ở mức độ nhiễm trung bình và nặng so năm 2018.

Mặt khác, khi sản xuất “3 năm, 8 vụ”, đến vụ thứ 6 bắt đầu lệch vụ, kéo theo đến vụ thứ 7 là vụ đông xuân thường nhiễm dịch hại nhiều do xuống giống quá trễ. Căn cứ phiếu điều tra chi phí sản xuất đến thời điểm 5 vụ, năng suất trung bình 6,48 tấn/ha, đạt lợi nhuận hơn 13,4 triệu đồng/ha. Trong khi canh tác 8 vụ năng suất trung bình 6,16 tấn/ha, đạt lợi nhuận chỉ gần 13 triệu đồng/ha.

Các năm tiếp theo, huyện đều triển khai lịch thời vụ trên cơ sở đánh giá, đối chiếu với lịch cùng kỳ, phân tích những mặt được, nhìn nhận các tồn tại, vướng mắc... Công tác chỉ đạo chặt chẽ của các xã, thị trấn, năng lực tưới tiêu của hợp tác xã và sự ủng hộ của nông dân góp phần thực hiện tốt lịch thời vụ đề ra. Đặc biệt, sự đồng tình của nông dân ủng hộ chủ trương ngày càng cao. Bà con đã tự đánh giá được năng suất, lợi nhuận khi canh tác trở lại sau mỗi vụ xả lũ và đối chiếu với chu kỳ sản xuất cũ trước đây (3 năm, 8 vụ).

Điển hình tại xã Phú Thành, trước đó, nông dân muốn sản xuất như cũ ,vì giải quyết được công lao động, chấp nhận sản xuất 3 vụ lời ít, hơn là giảm xuống 2 vụ chính/năm. Vụ đông xuân 2022 - 2023, xã Phú Thành xả lũ theo chủ trương “2 năm, 5 vụ” ở 3/4 tiểu vùng. Vụ sản xuất ngay sau đó thắng lợi rất lớn, bình quân 1.000m2 nông dân lợi nhuận trên 3 triệu đồng. Trong 5 năm qua, có thời điểm nước vào đồng khá thấp, nhưng các địa phương đều thực hiện theo kế hoạch đảm bảo.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo, việc ngưng vụ/xả lũ vụ thu đông mang lại hiệu quả tích cực. Về sản xuất, giúp điều chỉnh được lịch thời vụ phù hợp thời tiết, đặc tính sinh trưởng của nếp, lúa. Đồng thời, sắp xếp và rút ngắn giai đoạn xuống giống, tập trung hơn; quan tâm truy xuất nguồn gốc qua cấp mã số vùng trồng theo đơn hàng doanh nghiệp.

Về môi trường, nhờ xả lũ đưa nước vào đồng ruộng, đất được nghỉ ngơi, các độc tố tích tụ trong đất bị rửa trôi. Nước vào đồng còn mang theo lượng phù sa bồi đắp cho ruộng lúa, góp phần duy trì độ màu mỡ của đất, từ đó nông dân giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm suy thoái môi trường, đất, nước… Về mặt xã hội, chủ trương này có sự đồng thuận của nông dân, thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường. Nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường gắn liên kết tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Tuyến cho hay, theo kế hoạch dài hạn, địa phương sẽ chủ động điều hành sản xuất hàng năm và các năm tiếp theo, không lúng túng và bị động; chỉ tăng cường kiểm tra và định hướng liên kết sản xuất. Những năm gần đây, mực nước lũ xuống thấp, nên khả năng xuống giống vụ đông xuân ở các vùng ngưng vụ/xả lũ sẽ thuận lợi. Phần lớn diện tích sản xuất vụ thu đông xuống giống dứt điểm cuối tháng 8, nên thuận lợi xuống giống vụ đông xuân.

Trên cơ sở đánh giá chủ trương này qua 5 năm, UBND huyện Phú Tân đã xây dựng kế hoạch thực hiện lịch thời vụ xuống giống lúa dài hạn cho các năm 2024, 2025, 2026. Quy trình này sẽ tăng cường các biện pháp quản lý trong sản xuất lúa, hạn chế suy thoái môi trường đất, nước; phòng, chống hiệu quả các đối tượng sâu, bệnh hại, tăng năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển, bền vững của nghề trồng lúa, nếp.

MỸ HẠNH