Hiệu quả thực hiện chính sách “Tam nông”

10/12/2021 - 06:27

 - Sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng gấp 4 lần; hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) sớm hơn 1 năm so lộ trình. Điều quan trọng, nông nghiệp đã khẳng định được vai trò nền tảng, bệ đỡ của kinh tế An Giang.

Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống người dân được nâng lên

Triển khai đồng bộ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) ra đời đã định hướng rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp và tạo ra luồng sinh khí mới, động lực mới thúc đẩy đổi mối quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trên cơ sở Nghị quyết 26-NQ/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết, chương trình hành động để triển khai thực hiện. Nhờ triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh với nhiều giải pháp thiết thực, đến nay, An Giang đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu theo lộ trình đề ra trên 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Trong đó, nông nghiệp vượt qua những khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng, bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, giai đoạn 2008-2020, tăng trưởng nông nghiệp An Giang đạt khoảng 3%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đến nay đạt 192 triệu đồng/ha. An Giang đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: Vùng chuyên canh nếp Phú Tân, quy mô trên 20.000ha; vùng chuyên canh xoài thuộc 3 xã cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), quy mô 6.400ha; vùng sản xuất chuối, quy mô 2.000ha; vùng sản xuất cá tra chất lượng cao Nam Việt Bình Phú, quy mô 600ha; vùng sản xuất cá tra giống công nghệ cao với quy mô khoảng 100ha...

An Giang đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 31.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, trong đó có 10.800ha xoài, 1.500ha chuối, 1.300ha cây có múi và hơn 1.500ha các loại cây ăn trái khác, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh. Việc chuyển đổi này về bản chất không làm mất đi đất trồng lúa theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Điểm nhấn của nông nghiệp là mối quan hệ sản xuất trong tái cơ cấu ngày càng được củng cố. Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã dần hình thành và phát triển theo nhu cầu của doanh nghiệp, như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long… Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức vận động nông dân trong vùng nguyên liệu của tập đoàn, thành lập mới 24 HTX nông nghiệp. Phía tập đoàn cử nhân sự tham gia điều hành, giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc HTX và cử đội ngũ “3 cùng” phối hợp hội đồng quản trị HTX hướng dẫn thành viên HTX về kỹ thuật, quy trình canh tác sản xuất theo hướng hiện đại, khoa học, ứng dụng các giải pháp cơ giới đồng ruộng, như: Drone (thiết bị bay không người lái), thiết bị trang bằng mặt ruộng, máy gặt đập liên hợp… Từ đó, giúp tiết giảm giá thành sản xuất cho thành viên HTX khoảng 20% so với canh tác bình thường. Đến nay, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt 98%, hệ thống đê bao, thủy lợi, trạm bơm điện cơ bản đáp ứng sản xuất nông nghiệp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên khuyến nông, bảo vệ thực vật phủ khắp các xã, phường, thị trấn.

Trình độ dân trí, đặc biệt là trình độ canh tác của nông dân được nâng lên theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất thâm canh tăng vụ, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, cải thiện thu nhập. Nhờ quan tâm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn An Giang đang thay đổi theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 60/119 xã NTM, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn), hoàn thành mục tiêu sớm hơn 1 năm và vinh dự được Trung ương tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất.

Qua triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), đời sống của người dân nông thôn An Giang không ngừng cải thiện. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/năm, cao gấp hơn 4 lần so năm 2008. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 1,5%/năm. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 2%.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nét nổi bật là tỉnh An Giang đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong mời gọi đầu tư. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Nam Việt, Việt Úc, THACO…

NGÔ CHUẨN