Hỗ trợ nông dân cù lao Giêng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng xoài 3 màu

22/10/2018 - 06:37

 - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam và huyện Chợ Mới triển khai thực hiện dự án “Tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô trồng cây xoài 3 màu tại huyện Chợ Mới”. Dự án giúp nông dân tham gia xây dựng các vườn kiểu mẫu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nâng cao năng suất và phẩm chất cho cây xoài 3 màu, hướng tới thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân (ND).

Theo khảo sát của Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện trạng canh tác xoài 3 màu tại cù lao Giêng được trồng phẳng (trồng trực tiếp trên mặt đất) hoặc đào hố trồng mà không đắp mô, trong khi liếp không có rãnh thoát nước trong mùa mưa và mật độ trồng chưa hợp lý (trồng quá dày). Tỷ lệ trái loại 1 thấp, tối đa chỉ đạt từ 20 - 30%, cá biệt có hộ đạt chưa tới 5%, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. KT xử lý ra hoa nghịch vụ chưa đạt hiệu quả cao (chỉ đạt 30-40%). Xoài khi xử lý ra hoa mùa nghịch hoặc vườn cho quả sớm tỷ lệ quả nhỏ (xoài cóc) cao. ND chưa rõ nguyên nhân, chỉ nhận thấy khoảng 30 ngày sau đậu quả thì quả sần sùi và phát triển chậm. Thị trường lệ thuộc vào nơi tiêu thụ, chưa nắm được thông tin thị trường. Khâu bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch chưa được đầu tư nghiên cứu... vì thế việc thực hiện dự án là hết sức cần thiết.

Xây dựng mô hình trồng cây xoài 3 màu tại huyện Chợ Mới là một trong những nội dung của dự án. Mục tiêu nhằm ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất xoài đạt 4 tấn/năm/1.000m2, tỷ lệ xoài loại 1 từ 50% trở lên và trọng lượng trái trung bình từ 600gr/trái. Xây dựng quy trình chuẩn cho canh tác xoài 3 màu thông qua mô hình trình diễn (2.000m2/mô hình) để làm cơ sở nhân rộng sau này. Đào tạo 90 lượt ND và cán bộ địa phương KT canh tác xoài 3 màu.

Hỗ trợ nông dân cù lao Giêng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng xoài 3 màu

Bao trái cho xoài

Qua 2 năm thực hiện, trung tâm phối hợp UBND 3 xã cù lao Giêng (Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp) và Viện Cây ăn quả miền Nam tiến hành điều tra KT canh tác xoài 3 màu tại 60 hộ dân của 3 xã. Qua điều tra cho thấy, mật độ trồng xoài tại địa phương khá dày, phổ biến trồng với mật độ: 80-100 cây/1.000m2 (theo khuyến cáo 50 cây/1.000m2). ND sử dụng quá nhiều thuốc hóa học: do tình hình thời tiết bất lợi, phải xử lý thuốc ra hoa nhiều lần nhưng tỷ lệ đậu trái lại thấp (từ 7-12 lần/vụ). Tình hình dịch bệnh phức tạp: ảnh hưởng đến năng suất, tỷ lệ trái loại 1 đạt thấp, ảnh hưởng đến thu nhập: tỷ lệ trái loại 1 đạt dưới 30%, có khi chưa tới 10%, về năng suất đạt từ 800 - 1.200kg/1.000m2. Từ thực trạng đó, đa số nông hộ đều đề xuất cần có lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, quản lý dịch bệnh, giúp tăng năng suất và nâng cao tỷ lệ trái loại 1.

Từ tháng 2-2016, trung tâm phối hợp xã Bình Phước Xuân và Viện Cây ăn quả miền Nam tiến hành khảo sát chọn hộ xây dựng mô hình. Qua điều tra KT cho thấy, hầu hết các nông hộ khảo sát đều trồng với mật độ hơn 4m, đa số trồng với mật độ: cây cách cây từ 2-3m và hàng cách hàng từ 2,5-4m, tương đương 80-100 cây/1.000m2, trong khi yêu cầu KT để làm mô hình mật độ trồng: cây cách cây 4-5m, hàng cách hàng 5m, tương đương khoảng 50 cây/1.000m2, nên khó khăn trong việc chọn hộ đáp ứng các thông số về KT để xây dựng mô hình. Tháng 5-2016 đã chọn hộ anh Nguyễn Hoàng Sơn xây dựng mô hình cơ bản, đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi, diện tích, nhưng chưa đáp ứng về mật độ trồng (hàng cách hàng 4,5m, cây cách cây 3m, tương đương 70 cây/1.000m2).

ThS Lê Thành Sơn (chủ nhiệm dự án) cho biết, sau thời gian thực hiện mô hình canh tác xoài 3 màu theo KT của Viện Cây ăn quả miền Nam bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Tuy năng suất xoài trên 1.000m2 của mô hình không bằng đối chứng, do mật độ cây của mô hình ít hơn (36 cây/1.000m2 so với 70 cây/1.000m2), năng suất của 1 cây thì mô hình cao so với đối chứng. Chỉ tiêu quan trọng mà các nhà vườn hiện nay quan tâm là tỷ lệ trái loại 1, kết quả của mô hình đã đạt được (loại trên 600gr đạt tỷ lệ 82,1%), từ đó bán được giá cao nên doanh thu cao hơn.

Đồng thời, do mô hình trồng với mật độ thưa nên việc quản lý sâu bệnh tương đối dễ hơn so với đối chứng. Từ đó hạn chế số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, nên chi phí sản xuất như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc... ít hơn. Với chi phí sản xuất thấp và doanh thu cao hơn nên lợi nhuận của mô hình cao hơn so với mức bình quân tại địa phương.

Ngoài ra, do mô hình trồng với mật độ thưa nên việc quản lý sâu bệnh tương đối dễ hơn so với đối chứng. Từ đó hạn chế số lần phun thuốc bảo vệ thực vật nên hạn chế gây ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển sản xuất bền vững. Kết quả trên cho thấy, đây là mô hình canh tác có hiệu quả không những về kinh tế mà về mặt môi trường. Vì vậy, mô hình cần được nhân rộng cho các nông hộ khác trong vùng.

HẠNH CHÂU