Sản phẩm OCOP huyện Phú Tân tham gia các hội chợ trong và ngoài địa phương
Mới đây, các sản phẩm tiêu biểu của huyện đều được giới thiệu tại Ngày hội hàng Việt về nông thôn, sản phẩm OCOP Phú Tân - An Giang do Sở Công Thương phối hợp UBMTTQVN tỉnh, UBND huyện Phú Tân và Siêu thị Tứ Sơn tổ chức. Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Hồ thông tin, huyện Phú Tân là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hội tụ những sản phẩm nông nghiệp độc đáo, mang đậm bản sắc miền Tây. Sự kiện không chỉ quảng bá những sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu Việt, mà còn là cơ hội tôn vinh những giá trị truyền thống, sáng tạo của các sản phẩm nông nghiệp và OCOP đặc trưng của địa phương.
Trên 500 mặt hàng tham gia ngày hội, trong đó hàng hóa, sản phẩm của huyện Phú Tân đại diện tham gia là các sản phẩm truyền thống từ làng rèn Phú Mỹ, nếp đặc sản của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm tiêu biêu của huyện, như: Cà na Nguyễn Trung, trà lài Hữu Nghĩa, bánh ngũ cốc dinh dưỡng Kim Thành, muối tôm, các sản phẩm từ trái nhàu… Diễn ra trong 4 ngày, 3 đêm, ngày hội thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham quan và mua sắm. Ban tổ chức đánh giá nhu cầu mua sắm, ủng hộ hàng Việt và các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương của người tiêu dùng rất lớn.
Thời gian qua, ngành chức năng của huyện còn phối hợp các ngành tỉnh để đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương tham gia các hội chợ, hội nghị để quảng bá, tiếp cận khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tại xã Hòa Lạc, Hội Nông dân huyện còn mở cửa hàng nông sản và sản phẩm OCOP. Tại đây, có các sản phẩm nông nghiệp, như: Bưởi da xanh, nhãn, gạo, nếp, bánh ngũ cốc, trà, rượu dâu tằm, cà na, mật ong... Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn, mô hình mới này nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm đạt chuẩn OCOP của các cơ sở trên địa bàn huyện.
Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2024, qua đánh giá, huyện Phú Tân có thêm 2 sản phẩm được công nhận chuẩn 3 sao. Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (tăng so cùng kỳ 4 sản phẩm). Thương hiệu sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến, như: Rượu dâu tằm, nước cốt dâu tằm và siro atiso của Công ty TNHH Dâu tầm Ngọc Thái; chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị và lạp xưởng cá thát lát của Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Thanh Tùng; cà na xí muội của Hộ kinh doanh Nguyễn Trung; dưa lưới công nghệ cao của Tổ Hợp tác Dưa lưới công nghệ cao Bình Thạnh Đông.
Điển hình, từ một loại trái cây dân dã, trái cà na được anh Nguyễn Phước Trung (xã Hiệp Xương) nghiên cứu làm ra sản phẩm, gồm: Cà na trộn chua ngọt, cà na ngào đường, rượu cà na, đặc biệt sản phẩm cà na xí muội đã được công nhận OCOP 3 sao. Món ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, dẻo và thơm mùi đặc trưng của trái cà na, có thể bảo quản trong nhiều tháng nhờ được đóng gói chỉn chu, hút chân không.
Tại xã Phú Bình, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Thanh Tùng chế biến các sản phẩm từ chả cá thát lát ướp gia vị đã được khẳng định chất lượng trên thị trường. Bà Châu Thị Thùy Diễm, chủ thể sản xuất cho biết, gia đình có truyền thống làm ruộng, bà theo nghề giáo viên, từ năm 2008, bắt đầu nuôi cá thát lát cườm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, giá cả đầu ra không ổn định, người nuôi liên tục bị thương lái ép giá, bà nghĩ đến việc chế biến các sản phẩm từ cá để tự bán sản phẩm. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, bà Diễm chế biến thành công các sản phẩm từ cá thát lát, như: Chả cá thát lát tươi, cá thát lát nguyên con muối sả ớt, chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị.
Các sản phẩm làm ra đều được kiểm nghiệm chất lượng, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng và đạt OCOP 3 sao. “Sản phẩm cá thát lát Thanh Tùng đã có mặt ở Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc); đại lý phân phối tại phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), Siêu thị Co.opMart... Mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường 3 - 4 tấn sản phẩm… Tôi vui mừng vì sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn, đem về nguồn thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 14 - 20 lao động. Thời gian tới, tôi sẽ cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm từng bước đạt chuẩn OCOP 2 sao. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm từ cá thát lát để làm đa dạng các sản phẩm của địa phương” - bà Diễm chia sẻ.
Các giải pháp hỗ trợ tích cực của ngành chức năng tỉnh và huyện đã mở ra nhiều cơ hội cho người sản xuất tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng, các chủ thể, hợp tác xã có điều kiện trực tiếp lắng nghe ý kiến người tiêu dùng, giúp các sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu, tìm kiếm đối tác. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.
MỸ HẠNH