Hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

22/07/2021 - 06:54

 - Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã tham gia công tác tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho nông dân. Trong đó, việc liên kết tiêu thụ 500 tấn nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa là hoạt động nổi bật, nhằm giúp nông dân gỡ khó về đầu ra trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thời điểm này, xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) hiện có khoảng 130ha canh tác nhãn xuồng, với khoảng 90 ha đang cho trái, sản lượng ước đạt 450 tấn  trong thời gian thu hoạch từ đầu tháng 7 đến tháng 9. Nhãn xuồng là cây trồng tiềm năng, đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh với diện tích canh tác tăng dần qua các năm. Hiện, sản phẩm đã được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và tem truy xuất nguồn gốc, đang chuẩn bị các bước tiếp theo để cấp mã số vùng trồng, chuẩn bị nguyên liệu cho xuất khẩu.

Nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hoà đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức trong cả nước đã tác động đến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đặc biệt, việc lưu thông, vận chuyển nông sản qua lại giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đó có nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa. Để giúp việc tiêu thụ sản phầm nhãn của tỉnh nói chung và nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa nói riêng , chúng tôi đã phối hợp với  Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP. Long Xuyên, UBND TP.Châu Đốc, UBND huyện Châu Phú, Bưu điện tỉnh An Giang và Công ty TNHH MTV Thương mại điện tử Bưu chính Viettel tổ chức cuộc họp trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp hỗ trợ tìm đầu ra cho nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa”.

Qua trao đổi, đại diện Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Du lịch nông nghiệp Khánh Hòa nêu lên những khó khăn, tồn tại đối với mặt hàng nhãn xuồng trong thời điểm hiện nay. Các thị trường “chủ lực” tiêu thụ nhãn xuồng hàng năm là TP. Hồ Chí Minh và Campuchia sức mua rất yếu nên người trồng nhãn gặp nhiều khó khăn. Các chợ đầu mối không tiếp nhận đơn hàng, việc kết nối với hệ thống các siêu thị, tập đoàn lớn cũng gặp nhiều trở ngại do hạn chế về điều kiện đóng gói, phương pháp bảo quản sản phẩm. Do đó, rất cần phương án hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng Khánh Hòa để thích ứng với điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

“Mục tiêu hiện nay là đưa được sản phẩm nhãn xuồng lên sàn Thương mại điện tử với sự hỗ trợ đến từ các đối tác chuyên môn. Đồng thời, nghiên cứu, định giá cả cho sản phẩm mang tính cạnh tranh với các tỉnh, thành trong khu vực. Hướng tới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở, ngành, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch hỗ trợ xúc tiến tìm đầu ra cho nhãn xuồng. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các kênh truyền thông trong, ngoài tỉnh; phối hợp cùng các đoàn thể hỗ trợ tuyên truyền, tiêu thụ đến với người dân trong tỉnh. Đồng thời, tiếp tục kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành phố phối hợp tìm kiếm đối tác, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tiêu thụ” – ông Lê Trung Hiếu cho hay.

Ngày 16-7-2021, Bưu điện tỉnh An Giang nhập hàng và giao đến khách hàng nhãn xuồng loại 1 với giá 35.000 đồng/kg không bao gồm phí vận chuyển. Khách hàng đặt từ 20 kg trở lên sẽ được hỗ trợ phí vận chuyển trong địa bàn tỉnh An Giang.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thương mại điện tử Bưu chính Viettel và Bưu điện tỉnh An Giang đã hỗ trợ đưa sản phẩm Nhãn xuồng Khánh Hoà tham gia sàn thương mại điện tử PostMart.vn và voso.vn    

Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang còn đang hướng dẫn nông dân huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên tiếp cận, sử dụng máy gọt, tách trái thốt nốt. Đơn vị đã phối hợp với Trường Cao Đẳng Nghề An Giang nghiên cứu, định hướng chế tạo máy gọt, tách trái thốt nốt theo nhu cầu cụ thể của người dân. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, có thể dùng máy gọt, tách cơ trợ lực nhằm tiết kiệm chi phí cũng như dễ dàng di chuyển, không phụ thuộc vào nguồn điện. Với các hộ kinh doanh quy mô, nên dùng hệ thống máy bóc, tách lớn sử dụng điện để rút ngắn thời gian sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm.

Sau chuyến khảo sát, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang sẽ tiến hành mời các thêm doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ vốn trong việc nghiên cứu chế tạo máy gọt, tách thốt nốt nhằm chuyển giao công nghệ, hỗ trợ bà con vùng Bảy Núi dễ dàng hơn trong việc chế biến các sản phẩm từ trái thốt nốt đặc sản quê hương mình.

THANH TIẾN