Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

14/03/2024 - 11:50

 - Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế, Ban Chỉ đạo Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939) tỉnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Qua đó, khẳng định vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 939 tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2024, An Giang phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu: 100% cán bộ chuyên trách hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể được cập nhật kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; có 90% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi sự kinh doanh, việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống; hỗ trợ 55 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và hỗ trợ, tư vấn 100% phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã (HTX) có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành đã thành lập trong giai đoạn 2018 - 2023; phối hợp tư vấn, hỗ trợ 110 doanh nghiệp (DN), HTX, tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia, trực tiếp quản lý.

Để thực hiện đạt những chỉ tiêu trên, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, trong đó nòng cốt là hội LHPN các cấp trong tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân về các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh (SXKD). Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, cung ứng nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn do phụ nữ tham gia quản lý, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh… Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số tại cơ sở SXKD thiết thực, hiệu quả thông qua thực hiện “Đề án khảo sát và giải pháp chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa tỉnh An Giang”.

Ngày hội phụ nữ An Giang khởi nghiệp

“Tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Giới thiệu các ý tưởng, đề án trong hoạt động SXKD của hội viên, phụ nữ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do các đơn vị tổ chức. Tư vấn, hỗ trợ các dự án, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có tiềm năng để hoàn thiện, phát triển sản phẩm và tạo việc làm cho lao động nữ. Đồng thời, kết nối nguồn lực hỗ trợ các DN, HTX, THT, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương và những sản phẩm có tiềm năng đạt chuẩn OCOP. Hỗ trợ, tư vấn cho các mô hình kinh tế tập thể do hội LHPN các cấp hỗ trợ thành lập trong hoạt động SXKD và kết nối, tiêu thụ sản phẩm” - ông Lê Văn Phước thông tin.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạng lưới, xúc tiến thương mại cho tổ liên kết, THT, HTX, DN do phụ nữ quản lý. Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành DN, quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, đăng ký sở hữu trí tuệ... để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhằm tăng tính cạnh tranh và khả năng hội nhập cho DN do nữ làm chủ trong thời kỳ công nghệ 4.0. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ HTX, DN nữ tiếp cận các chính sách ưu đãi, như: Vốn, pháp lý, khoa học - công nghệ, thuế; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các phát minh, sáng chế, các sản phẩm sản xuất, sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương hướng đến hoàn thiện sản phẩm OCOP. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, kết nối DN với phụ nữ khởi nghiệp và các mô hình kinh tế tập thể. Hỗ trợ DN, phụ nữ khởi nghiệp xây dựng, quảng bá hình ảnh sản phẩm.

Tổ chức tư vấn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, THT, HTX, cơ sở SXKD, DN do nữ làm chủ mới thành lập có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất được tiếp cận tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng thương mại, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm... để phụ nữ phát triển SXKD, khởi nghiệp. Cùng với đó, nâng cao vai trò của Hiệp Hội DN tỉnh, Hội nữ Doanh nhân tỉnh trong hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ và phụ nữ khởi nghiệp thực hiện hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Lê Bích Phượng, để thực hiện hiệu quả Đề án 939, hội sẽ chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn hội LHPN huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp các thành viên ban chỉ đạo đề án thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng thương hiệu; ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, thương mại điện tử vào hoạt động SXKD; kết nối tiêu thụ sản phẩm. Phát huy nội lực, huy động nguồn lực tổ chức thực hiện nội dung đề án lồng ghép với chương trình, kế hoạch công tác hội để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề án.

“Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và Nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp thành công, nhất là phụ nữ yếu thế và ở vùng khó khăn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 939 tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết.

THU THẢO