Hội nghị Paris và Hiệp định Paris 1973 để lại những bài học sâu sắc gì?

21/01/2023 - 19:19

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay.

Nhân dân Pháp và Việt kiều chào đón phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến ký hiệp định chính thức tại Paris, ngày 27/1/1973. (Nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

Trước hết, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta đã mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp các mặt trận chính trị, quân sự; sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng.

Thứ hai là bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia-dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta để làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.

Thứ ba là bài học về tầm quan trọng của thực lực. Bác Hồ dạy: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to, tiếng mới lớn”. Thắng lợi của Hội nghị Paris bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế; sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; giữa đánh và đàm, giữa chiến trường và bàn đàm phán.

Thứ tư là bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Để vượt qua những thách thức lớn, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương cách cực kỳ quan trọng, bảo đảm thắng lợi. Cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta thắng lợi vì đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết / Thành công, thành công, đại thành công”.

Thứ năm là bài học về xây dựng lực lượng. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao đã trưởng thành vượt bậc, được chuẩn bị và trang bị kỹ cả về kiến thức đối ngoại và nghệ thuật đàm phán. Cùng với sự chỉ đạo sát sao, Đảng và Nhà nước ta đã chọn lựa, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ đối ngoại bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất tham gia hai đoàn đàm phán, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.

Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội, ngày 17/1/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nêu 6 bài học quý báu từ Hội nghị Paris và Hiệp định Paris.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris 1973 để lại những bài học sâu sắc gì? ảnh 1

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn

Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia-dân tộc. Đây vừa là nguyên tắc nhất quán, vừa là bài học lớn của cách mạng Việt Nam nói chung và đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris nói riêng. Độc lập, tự chủ trong mọi quyết sách, trong từng bước đi, đã giúp Việt Nam luôn giữ vững thế chủ động tiến công, kiên định mục tiêu và nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược đàm phán, nhờ đó luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.

Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc là sức mạnh của giương cao ngọn cờ chính nghĩa: hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; là sức mạnh của đường lối, sách lược cách mạng đúng đắn của Đảng; là sức mạnh khối đại đoàn kết, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc; là sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao,… Sức mạnh thời đại thể hiện ở khát vọng chung của các quốc gia, dân tộc về hòa bình, phát triển, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng công lý và phẩm giá con người… Sức mạnh dân tộc kết hợp với sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.

Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mục tiêu và nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Sách lược của chúng ta là “vừa đánh, vừa đàm”, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm, từng đối tác trên cơ sở kiên định mục tiêu chiến lược.

Thứ tư, bài học về phong cách, nghệ thuật đối ngoại và ngoại giao mang đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh như bài học về nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”; về biết giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng; về tạo dựng và nắm bắt thời cơ; về kết hợp tài tình giữa chiến lược và sách lược, giữa chính trị-quân sự và ngoại giao, giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, giữa độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, giữa các lực lượng ngoại giao của miền bắc và miền nam, tuy hai mà một, tuy một mà hai,...

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris 1973 để lại những bài học sâu sắc gì? ảnh 2

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ Chính trị ngày 9/4/1968 căn dặn việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Việt-Mỹ trước Hội nghị Paris. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Thứ năm, bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo việc xây dựng lực lượng cán bộ cho đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, có phẩm chất cách mạng, được trang bị kiến thức đối ngoại, phương pháp, kỹ năng và nghệ thuật đàm phán. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa, rèn luyện và tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ xuất sắc tham gia mặt trận ngoại giao, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris.

Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, phát huy truyền thống giữ nước của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh giá chính xác thực tiễn cách mạng trong nước và tình hình quốc tế, Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành toàn thắng.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ngoài những bài học nổi bật nêu trên, còn nhiều bài học phong phú từ Hội nghị Paris, nhất là các bài học về phong cách, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để truyền lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau.

Nguồn tư liệu: BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG VÀ BỘ NGOẠI GIAO
 

Theo Nhân dân