Lực lượng nòng cốt
Thời gian qua, Hội ND tỉnh đã phối hợp tổ chức được trên 9.358 cuộc họp dân để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với 5 triệu lượt ND tham dự. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thông qua phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM”, Hội ND đã vận động nguồn quỹ đóng góp trên 102 tỷ đồng và hơn 11.000 ngày công lao động. Cùng với các địa phương cất mới, tu sửa cầu cống; bê-tông hóa và rải cát chống lầy 1.185km lộ giao thông nông thôn, nạo vét hơn 970km kênh mương; cất và sửa chữa 349 căn nhà cho hội viên, ND. Qua đó, giúp các cán bộ, hội viên, ND nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó góp phần thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng NTM ở địa phương.
Nông dân tự nguyện hiến đất xây dựng nông thôn mới
Sau hội nghị triển khai hàng năm, Hội ND tỉnh cử các thành viên Tổ công tác NTM - Hội ND tỉnh đến các xã điểm tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động ND tự nguyện đóng góp công sức tham gia xây dựng NTM. Tùy điều kiện thực tế mà linh động bố trí địa điểm họp dân như: trụ sở Ban Nhân dân ấp, đình, quán cà phê và ngay tại nhà của người dân... Qua đó, cán bộ tuyên truyền và lãnh đạo địa phương sẽ tập trung truyên truyền, gợi ý đối với những vấn đề cần xin ý kiến của người dân, trong đó nhấn mạnh đến 27 chỉ tiêu không cần vốn đầu tư của nhà nước, người dân địa phương có thể tham gia hiệu quả. “Cụ thể, như: xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất, mô hình camera an ninh, mô hình đèn đường nông thôn, thùng rác nông thôn; làm hàng rào thẳng tắp, làm cột cờ, treo ảnh Bác phù hợp với từng ngành, nghề ở địa phương...” - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lê Hùng Cường thông tin. Song song đó, Hội ND tỉnh đã biên soạn, in ấn và cấp phát 100.000 tờ bướm, 4.500 phiếu khảo sát, 1.000 bộ tài liệu hỏi - đáp, 2.000 tờ tin, 400 bộ tài liệu, 22.000 tờ bướm khổ lớn, gồm các văn bản về xây dựng NTM. Đặc biệt, hội còn in ấn 1.000 tài liệu tiếng Khmer cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn.
Nhiều việc làm thiết thực
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lê Hùng Cường cho biết, tính riêng trong năm 2017, Hội ND tỉnh đã đề xuất Trung ương Hội ND hỗ trợ Dự án “Thu gom phân loại và xử lý chất thải, rác thải nông thôn” với tổng kinh phí 150 triệu đồng (Trung ương hỗ trợ 100 triệu đồng). Dự án đã trang bị đồ bảo hộ lao động, xe thu gom rác, thùng rác... được đặt tại 2 ấp của xã Định Thành (Thoại Sơn), qua đó góp phần giúp xã Định Thành đạt chuẩn NTM vào năm 2017. Để đáp ứng nhu cầu của hội viên trong việc tham gia các lớp học nghề ngắn hạn, 10 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (Hội ND tỉnh) phối hợp các cấp hội và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 3.246 lớp dạy nghề có 64.496 học viên tham gia.
Nhằm nâng cao năng lực của ND trong phát triển sản xuất, các cấp Hội ND đã tăng cường công tác phối hợp các ban, ngành nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án theo chương trình phối hợp hành động đã ký kết. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ ND trong sản xuất - kinh doanh và xây dựng các mô hình trang trại, phát triển nông nghiệp bền vững. Đáng chú ý, hướng dẫn và tổ chức cho ND tích cực tham gia vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, gắn với sản xuất, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Tập trung đẩy mạnh liên kết giữa ND với doanh nghiệp thông qua các mô hình như: tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản lượng đủ lớn, đảm bảo chất lượng và ổn định.
Hội ND còn giúp ND xây dựng các phương án sản xuất, tìm kiếm thị trường, kết nối với siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn để tiêu thụ hàng hóa cho ND. Với những cách làm thiết thực, các cấp Hội ND trong tỉnh đã khơi dậy và phát huy tiềm năng của hội viên, ND. Từ đó, góp phần cùng với chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
ÁNH NGUYÊN