Hợp tác làm ăn hiệu quả

02/11/2018 - 03:28

 - Có những mô hình nông nghiệp tuy không lớn nhưng nhờ hợp tác sản xuất, các hộ nông dân đã hỗ trợ nhau tích cực, cùng tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cao hơn so với làm riêng lẻ. Hợp tác là yêu cầu tất yếu ở nông thôn.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Sau khi Tổ hợp tác làm vườn bến Bà Chi (ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, Tri Tôn) được thành lập với diện tích 78ha, nông dân trồng xoài dưới chân núi Dài lập tức thấy rõ được hiệu quả của mô hình hợp tác làm ăn. “Cái lợi đầu tiên là nông dân không còn lo bị thương lái “ép giá” khi bán nhỏ lẻ như trước đây. Trong quá trình canh tác, nông dân can thiệp kỹ thuật để xoài cho trái cùng lúc. Trước mỗi đợt thu hoạch với số lượng lớn, tổ hợp tác sẽ chủ động đàm phán về giá bán với thương lái. Nhờ thu mua cùng lúc được lượng xoài nhiều nên giá bán cũng tốt hơn so với từng nông dân bán số lượng ít” - anh Trần Văn Quý (Tổ trưởng tổ hợp tác làm vườn bến Bà Chi) chia sẻ. Lợi ích khác cũng rất quan trọng là nông dân được tổ hợp tác giới thiệu mua phân, thuốc mà không phải trả tiền mặt, đến cuối vụ mới thanh toán.

Trong quá trình hợp tác làm ăn, nông dân còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về kỹ thuật chiết cành, ghép mắt, kích thích cây ra hoa, đậu quả đúng thời điểm, nhắc nhở nhau phải sử dụng thuốc đúng quy định, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, đảm bảo an toàn sản phẩm.

Anh Quý cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Trường Đại học Cần Thơ và các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện, Tổ hợp tác làm vườn bến Bà Chi đã hình thành được vùng trồng xoài VietGAP 25ha tại Lê Trì. Đây là tiêu chuẩn cần thiết để trái xoài có mặt ở các siêu thị lớn, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Nông dân Tổ hợp tác làm vườn bến Bà Chi phát huy hiệu quả

Hợp tác làm ăn trong sản xuất nông nghiệp đang là khuynh hướng được nông dân huyện Tri Tôn tích cực tham gia. Riêng đối với cây ăn trái, năm 2017 đạt 735,3ha, tăng 105,2ha so năm 2015. Các nông dân đã liên kết với nhau để phát huy thế mạnh của những loại trái cây đặc sản như: xoài, cam, quýt, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn Ido...

Đối với chuối cấy mô, hiện đã có 3 doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu 232ha, liên kết xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, UBND tỉnh đã công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vifaba của Công ty Vĩnh Phát (140ha ở xã Vĩnh Phước), các doanh nghiệp còn lại như: SD (51ha ở xã Vĩnh Gia), Xanh Việt (41ha ở xã Tân Tuyến)… đều có khả năng mở rộng.

Sáng tạo trong sản xuất

Ở xã Vĩnh An (Châu Thành), một số nông dân đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành xen kẽ quýt hồng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nông dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống đê bao khép kín, hệ thống phun tưới tự động nên đỡ công chăm sóc. Đến mùa thu hoạch, nông dân liên kết lại để thỏa thuận giá với thương lái nên bán được giá tốt.

Ở xã Phú Lâm (Phú Tân), nông dân đang thử nghiệm trồng rau thủy canh cho hiệu quả cao. Thay vì trồng trên đất, bà con cho các loại cải ngọt, cải xanh, xà lách, cải thìa... mọc trong nước có hòa tan dung dịch dinh dưỡng. Ưu điểm của phương pháp này là chủ động được mùa vụ, cách ly các mầm bệnh tiềm ẩn trong đất, cây phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 95%, sau 6-7 tuần là có thể thu hoạch. Nhờ chủ động được thời điểm thu hoạch, sản lượng nên giá bán được cao.

Tại huyện Chợ Mới, mô hình công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng) được triển khai ở các xã: Hòa Bình, Long Kiến, Long Giang, Long Điền A, Kiến Thành (áp dụng trên lúa) và Kiến An (mô hình trên rau). Sau khi được tập huấn kỹ thuật, nông dân cùng nhau trồng hoa trên bờ ruộng, bờ rẫy để thu hút thiên địch, giúp giảm phun thuốc trừ sâu, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo an toàn cho sản phẩm. 100% hộ nông dân tham gia mô hình còn áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng lúa giống cấp xác nhận trở lên và xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa...

Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu đã triển khai 16 mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, giúp nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, cây con, giống mới để tăng hiệu quả sản xuất. Trong đó, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học bằng chế phẩm sinh học probiotic và balasa N01 được xem là hướng đi mới, giúp giảm tỷ lệ hao hụt còn 8/100 con. Sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng trung bình 1,5kg/con. Nhờ liên kết cung ứng số lượng nhiều, đảm bảo chất lượng, đàn gà của các nông dân được thương lái mua giá tốt…

Đó là những mô hình hợp tác làm ăn tuy quy mô nhỏ nhưng hiệu quả đạt cao, giúp tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN