Hợp tác quốc tế chuyển đổi sản xuất lúa phát thải thấp

26/01/2024 - 06:44

 - Được tài trợ của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL” (TRVC) sẽ triển khai thực hiện từ năm 2023 - 2027. Dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cùng Sở NN&PTNT 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang tiến hành.

Sức hút đặc biệt

Tại TP. Cần Thơ, sự kiện công bố Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL” (TRVC) thu hút sự quan tâm, tham dự của gần 150 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.

Bà Cherie Russell (Tham tán Hợp tác Phát triển Úc) cho biết, với 200.000ha lúa chuyển đổi sản xuất bền vững, tương đương với hơn 200.000 hộ trồng lúa được hưởng lợi. “Thị trường thế giới đang dịch chuyển sang khuynh hướng tiêu dùng hữu cơ, phát thải thấp, đặc biệt là Châu Âu, Úc, Hoa Kỳ... Nếu không thích ứng, chuyển đổi tư duy sản xuất xanh, vùng ĐBSCL sẽ bị tụt lại phía sau. Chính phủ Úc đã tài trợ xây dựng 2 cây cầu và triển khai nhiều dự án hàng triệu USD ở ĐBSCL. Trong chuyến làm việc tại Hà Nội mới đây, Đại sứ Úc đã cam kết tài trợ hơn 95 triệu USD cho ĐBSCL. Chúng tôi muốn thấy khu vực này phát triển thịnh vượng theo hướng xanh và toàn diện” - bà Cherie Russell nhấn mạnh.

Giới thiệu sản phẩm lúa gạo Việt Nam với đối tác nước ngoài

Được Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tài trợ, Dự án TRVC đã công bố 10 doanh nghiệp (DN) được chọn tham gia thực hiện. Trong đó, An Giang góp mặt 2 DN là Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) và Công ty TNHH Angimex-Kitoku; 8 DN còn lại là: Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Trung An, Công ty TNHH XNK Chơn Chính, Công ty Cổ phần Lương thực A An, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, Công ty TNHH Xuân Phương Kiên Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed, Công ty TNHH Cỏ May và Công ty TNHH Farm Angel.

10 DN này sẽ được hỗ trợ liên kết với các hợp tác xã, nông dân ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang chuyển đổi sang sản xuất lúa phát thải thấp trên 200.000ha đến năm 2027. Dự án cung cấp phần thưởng khuyến khích bằng tiền mặt cho những người tham gia và đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, với lượng phát thải được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định độc lập. Dự án TRVC sẽ triển khai vụ mùa đầu tiên từ vụ hè thu 2024.

Đóng góp quan trọng

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, ĐBSCL là một trong những châu thổ trù phú của sông Mekong và là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo đang là một trong những tác nhân gây phát thải khí nhà kính nhiều, tác động chồng chất lên tiêu cực của biến đổi khí hậu.

“Chính phủ Việt Nam cam kết Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050, thể hiện thiện chí và quyết tâm đóng góp vào mục tiêu xanh của toàn cầu. Một trong những động thái thực hiện là phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án 1 triệu ha lúa), với mục tiêu tổ chức lại ngành hàng lúa gạo sản xuất ổn định và phát thải thấp, bền vững và thân thiện với môi trường” - ông Tùng nhấn mạnh.

Để triển khai đề án này, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ công tác, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ cấp bách về khoanh vùng dự án, xây dựng các tiêu chí tham gia, hình thành các quy trình canh tác đáp ứng mục tiêu đề ra. Trong đó, việc triển khai các mô hình canh tác lúa phát thải thấp đang nhận được sự đóng góp, tham gia của nhiều tổ chức, DN trong và ngoài nước.

“Dự án TRVC được thiết kế theo lộ trình rất chi tiết và bài bản; đúng kế hoạch và có sự tham gia của các bộ, ngành, Sở NN&PTNT của 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Dự án huy động, tạo động lực để thu hút các DN trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia liên kết sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô lớn. Chúng tôi mong muốn, kết quả của dự án sẽ đóng góp vào thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, trước mắt là giai đoạn 2023 - 2027 và sẽ được tiếp tục mở rộng trong các năm sau” - ông Tùng nhấn mạnh.

Từ lễ khởi động vào tháng 7/2022 đến nay, Dự án TRVC đã hoàn thành thiết kế và nhận được tài trợ trị giá 16 triệu đô-la Úc. Tại sự kiện công bố dự án, cơ quan kiểm định độc lập đã trình bày phương pháp kiểm định, tính toán lượng phát thải khí nhà kính (MRV) theo mức độ 3 của IPCC; chuẩn bị sẵn sàng cho các tác nhân trong chuỗi lúa gạo của dự án tham gia vào thị trường trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện vào năm 2028.

“Chúng tôi cám ơn Ban Chủ nhiệm Dự án TRVC, nhà tài trợ đã quan tâm đến lĩnh vực lúa gạo tại ĐBSCL - vùng châu thổ hiền hòa nhưng có nội lực và tiềm năng lớn, đã đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của quốc gia và khu vực, nhất là lĩnh vực an ninh lương thực mà lúa gạo là nòng cốt. Hy vọng các kết quả của dự án sẽ được nghiên cứu, chọn lọc và mở rộng trong quá trình các địa phương thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa đến năm 2030” - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN