UBND huyện Tri Tôn và Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong ký biên bản ghi nhớ phối hợp
Hợp tác nâng cao giá trị từ cây thốt nốt
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tri Tôn có khoảng 32.000 cây thốt nốt, chủ yếu thuộc sở hữu của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, trong đó chỉ có 11.064 cây khai thác được. Hạn chế về công nghệ và thị trường đang gây ra tình trạng bất cân đối giữa tiềm năng và khai thác sản phẩm từ cây thốt nốt.
Để gia tăng giá trị từ cây thốt nốt, đẩy mạnh khai thác nguồn nguyên liệu và kết nối đầu ra sản phẩm, Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong (Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) xây dựng Dự án mô hình hợp tác phát triển sản phẩm từ cây thốt nốt trên địa bàn huyện Tri Tôn. Đối tượng tham gia là 30 hộ nghèo, hộ cận nghèo Khmer gắn với sinh kế từ cây thốt nốt, có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Sau khi khảo sát chọn hộ, dự án sẽ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, sơ chế và bảo quản sản phẩm từ thốt nốt, hướng dẫn sử dụng các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Các hộ được hỗ trợ công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất (máy khuấy mật, dụng cụ hứng mật hoa, dụng cụ đựng sản phẩm, dụng cụ hứng nước); tập huấn về thị trường nông sản và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...
Trong quá trình thực hiện hiện, dự án được giám sát chặt chẽ từ Văn phòng quốc gia giảm nghèo thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Công ty Cổ phần Palmania (huyện Tri Tôn) chịu trách nhiệm liên kết tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 947 triệu đồng, thời gian thực hiện từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2023.
Dịp này, UBND huyện Tri Tôn và Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong đã tiến hành ký biên bản ghi nhớ phối hợp hỗ trợ, triển khai thực hiện dự án.
NGÔ CHUẨN