Hợp tác Úc vực dậy thế mạnh nông nghiệp

05/09/2023 - 04:20

 - Những chương trình, dự án mà Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) triển khai tại Việt Nam đang phát huy hiệu quả tốt. Với sự quan tâm hỗ trợ của Đại sứ quán Úc, thế mạnh nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ được tập trung nhiều hơn, đặc biệt là cây lúa và cá tra.

Đoàn công tác Đại sứ quán Úc và ACIAR tại Việt Nam thăm Trường Đại học An Giang

Tăng cường hợp tác

Chỉ trong thời gian ngắn, Trường Đại học An Giang (ĐHAG) liên tục đón tiếp 2 đoàn công tác của Đại sứ quán Úc đến thăm và làm việc. Lần đến thăm gần đây của Phó Đại sứ Mark Tattersall, cùng đoàn công tác Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) càng có ý nghĩa khi đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Úc và 30 năm ACIAR hoạt động tại Việt Nam.

PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐHAG (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trường có mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhiều đối tác tại Úc. Trường ĐHAG đã ký kết hợp tác với nhiều trường đại học hàng đầu của Úc; có 41 cán bộ, giảng viên hoàn thành các chương trình học tập sau đại học tại quốc gia này (trong đó có 23 tiến sĩ).

Từ năm 2001 đến nay, Trường ĐHAG đã nhận được tài trợ từ Úc cho 10 dự án quan trọng. “Chúng tôi hy vọng Đại sứ quán Úc sẽ tiếp tục kết nối Trường ĐHAG với những đối tác từ Úc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học. Trường cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác với ACIAR” - PGS.TS Võ Văn Thắng đề xuất.

Đến thăm và làm việc với Trường ĐHAG, Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam Mark Tattersall nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Úc và Việt Nam trong 50 năm qua; tin tưởng tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 nước sẽ ngày càng bền chặt. Ông Mark Tattersall cho biết, sẽ tiếp tục đóng góp vào việc kết nối 2 nước nói chung, kết nối tỉnh An Giang và Trường ĐHAG với các đối tác Úc trong những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Nâng giá trị lúa gạo

Trưởng đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tại Việt Nam Nguyễn Thị Thanh An cho biết, từ năm 1993 đến nay, ACIAR đã và đang triển khai 243 dự án tại Việt Nam, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 157,5 triệu AUD (hơn 2.400 tỷ đồng), trong đó đã tài trợ cho 123 cá nhân tham gia học tập sau đại học và học tập kỹ năng lãnh đạo tại Úc qua các chương trình học bổng.

ACIAR đang thực hiện chiến lược hợp tác nghiên cứu 10 năm (2017-2027) với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển các hệ thống canh tác và sinh kế bền vững, công bằng ở ĐBSCL, Tây Nguyên và Tây Bắc; giúp nông hộ nhỏ liên kết với mạng lưới tri thức, nâng cao lợi thế trong tiếp cận với các thị trường trong nước và quốc tế. “Trong 5 năm tới, ACIAR đầu tư khoảng 23 triệu AUD triển khai các dự án có ý nghĩa thiết thực tại Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Thanh An nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm và làm việc với Trường ĐHAG, các đối tác Úc và đại biểu đặc biệt quan tâm đến 2 dự án lớn mà ACIAR đang thực hiện tại ĐBSCL là: Dự án “Thất thoát lương thực trong chuỗi giá trị cá tra (Pangasius) tại lưu vực sông Mekong” (Trường ĐHAG tham gia thực hiện cùng các đối tác) và Dự án “Xây dựng và thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL” (Trường ĐHAG là điều phối quốc gia tại Việt Nam).

Giữ vai trò Điều phối quốc gia Dự án “Xây dựng và thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL”, PGS.TS Hồ Thanh Bình (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHAG) cho biết, dự án có thời gian thực hiện từ tháng 2/2022 - 12/2025, do ACIAR và Tập đoàn SunRice (Úc) tài trợ, tổng kinh phí thực hiện hơn 67,5 tỷ đồng.

"Dự án nhằm thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL theo hướng bền vững. Sản phẩm lúa gạo được canh tác, sản xuất đạt chất lượng, năng suất cao và có thể truy xuất nguồn gốc. Qua đó, tạo nhiều lợi ích cho nông dân trồng lúa, đáp ứng được yêu cầu thị trường của nhà xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế” - ông Hồ Thanh Bình thông tin.

Khai thác lợi thế cá tra

Qua thời gian triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng và thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững ở ĐBSCL” tại các hợp tác xã (HTX) và nhóm nông dân ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP. Cần Thơ, mang lại hiệu quả tích cực. Dự án khuyến khích các HTX và nông dân sản xuất lúa áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất bền vững, với các chỉ số đo lường thuộc bộ quy chuẩn canh tác lúa gạo bền vững (SRP).

Dự án giúp nâng cao các tri thức khoa học cần thiết về thực hành sản xuất trong các HTX và thực hành sau thu hoạch để tối ưu hóa năng suất, chất lượng gạo tại ĐBSCL. Kết quả nhân giống lúa Japonica (DS1) cho thấy, giống lúa đạt năng suất cao, khả năng chống chịu tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Với Dự án “Thất thoát lương thực trong chuỗi giá trị cá tra (Pangasius) tại lưu vực sông Mekong”, thời gian thực hiện từ ngày 1/4/2023 - 30/6/2026. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm, từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm đối với ngành cá tra ở lưu vực sông Mekong.

Tham gia dự án, ngành công nghiệp cá tra, nông dân, các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các quy trình hiệu quả thông qua tìm hiểu các thất thoát và lãng phí thực phẩm hiện tại trong chuỗi giá trị cá tra. Nông dân nuôi cá và những bên tham gia sẽ có khả năng đưa ra giải pháp về thất thoát giá trị và lãng phí thực phẩm, cùng nhau thiết kế, thử nghiệm và đánh giá những phương án có tính tác động cao trong chuỗi giá trị cá tra ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo để nâng cao năng lực về chuỗi giá trị, dự báo…

Việc tìm cách tăng năng suất, sản lượng cho nông hộ nhỏ, đồng thời giảm thiểu thất thoát thực phẩm ở các giai đoạn sau thu hoạch được kỳ vọng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị cá tra vùng ĐBSCL, đặc biệt trong điều kiện bảo quản thực phẩm, cơ sở hạ tầng giao thông và việc tiếp cận các công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế.

NGÔ CHUẨN