Hợp tác xã nông nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để phát triển sau dịch

25/08/2021 - 06:29

 - Đại dịch COVID-19 đã làm cho tình hình tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã (HTX)nông nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất - kinh doanh. Để đạt được mục tiêu lợi nhuận, Hội đồng Quản trị, Ban điều hành các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phương án kinh doanh để thích ứng với tình hình mới, hạn chế rủi ro.

Đa phần các hợp tác xã nông nghiệp đều thực hiện dịch vụ cung ứng giống lúa cho thành viên

Vật tư tăng, lợi nhuận giảm

Một trong những hướng điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phương án kinh doanh là đa dạng hóa dịch vụ phục vụ thành viên, đa dạng hóa ngành nghề, cắt giảm tất cả các khoản chi phí không cần thiết để lợi nhuận được nâng lên; đẩy mạnh tiết kiệm, tăng cường hỗ trợ thành viên từ cung ứng vật tư đầu vào đến kết nối tìm đầu ra. Trong vụ hè thu vừa qua, khi cả tỉnh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chống dịch, việc vận chuyển nông sản từ nơi này đi nơi khác gặp trở ngại; thương lái không đến tận ruộng thu mua lúa như trước đây, từ đó xảy ra tình trạng ùn ứ, nông sản không tiêu thụ được dẫn đến rớt giá.

Trước thực tế này, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Công văn 434/KH-UBND, ngày 18-7-2021 về việc tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành lập “đường dây nóng”, tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản. “Ngoài việc tổng hợp tình hình trong tỉnh, bộ phận tiếp nhận, xử lý thông tin đã đề xuất với tỉnh, Trung ương tạo “luồng xanh” trong vận chuyển thực phẩm thiết yếu, trong đó có nông sản. Kết nối với tổ công tác của Bộ NN&PTNT tìm đầu mối tiêu thụ. Trong tỉnh, Sở NN&PTNT đã kết nối với Tập đoàn Lộc Trời và nhiều đơn vị khác tìm giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này. Nhờ đó, địa phương cơ bản giải quyết được vấn đề thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong vụ hè thu” - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

Củng cố phương án kinh doanh

Vụ hè thu năm 2021 được xem là một vụ sản xuất kém hiệu quả, bởi giá vật tư tăng cao, trong khi giá nông sản lại rớt. Cụ thể, giá đầu vào của các loại phân bón đều tăng, như: đạm Cà Mau (tháng 11-2020, giá 1 bao phân này 355.000 đồng, nay đã tăng lên 600.000 đồng), các loại phân khác, như: NPK, DAP cũng “té nước theo mưa”. Vật tư tăng lên nhưng giá nông sản lại thấp nên, hiệu quả sản xuất gần như không có.

Củng cố, điều chỉnh kế hoạch, phương án kinh doanh là một trong những việc phải làm của tất cả các HTX nông nghiệp trên địa bàn. Nếu ở HTX nông nghiệp Phú Quý (huyện Châu Phú), đẩy mạnh việc kết hợp với các viện, trường để lai tạo ra các loại giống lúa mới cho năng suất cao, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết để mang lại hiệu quả cao cho nông dân thì ở HTX nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), Ban điều hành HTX nơi đây chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất gạo an toàn phục vụ người tiêu dùng. Kết hợp với Tập đoàn Lộc Trời tổ chức sản xuất các giống lúa được thị trường ưa chuộng theo phương thức sản xuất sạch, an toàn để nâng lợi nhuận sau mỗi mùa vụ.

Củng cố, nâng cấp các dịch vụ phục vụ thành viên, như: cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ, dịch vụ thu hoạch, làm đất, cùng nhiều dịch vụ khác để đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra. HTX nông nghiệp Tân Phú A1 (TX. Tân Châu), đang chuẩn bị để sau dịch củng cố dịch vụ bơm tưới, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh liên kết với các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp, tìm chọn các doanh nghiệp sản xuất phân, thuốc đạt chất lượng để hợp tác, mua về phân phối trong thành viên, giúp cho mùa vụ của nông dân đạt hiệu quả hơn. Tiếp tục vận động nông dân tham gia mô hình làm ăn hợp tác theo phương thức “Mua chung, bán chung”, liên kết để cung cấp dịch vụ làm đất, thu hoạch cho thành viên HTX với giá thấp hơn từ 12-15% so với bên ngoài...

Điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, phương án kinh doanh để sau dịch phát triển, các HTX nông nghiệp trong tỉnh đang tìm kiếm một hướng đi mới để thích ứng với cơ chế thị trường, để đưa sản phẩm của thành viên đi xa, phục vụ cho người tiêu dùng. Bên cạnh việc kết nối với bên ngoài, các HTX trong tỉnh tập trung củng cố các dịch vụ mà trước đây thực hiện chưa hiệu quả, từng bước nâng cao cung cách phục vụ thành viên, như: củng cố lại dịch vụ tiêu thụ nông sản, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp…

Hy vọng với những nỗ lực, các HTX nông nghiệp trong tỉnh sẽ sớm giải quyết được bài toán đang đặt ra để phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để sau dịch phát triển là việc phải làm ở tất cả các HTX nông nghiệp hiện nay. Bởi, nếu không đi vào điều chỉnh thì mục tiêu lợi nhuận của năm 2021 sẽ không đạt. Đối với HTX nông nghiệp Phú Thạnh, sau dịch bệnh chúng tôi sẽ mở thêm cửa hàng “Kết nối, tiêu thụ nông sản xanh” để giải quyết đầu ra cho nông sản, qua đó tìm kiếm lợi nhuận mang về cho HTX” - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) Trần Văn Lô Ba chia sẻ.


MINH HIỂN