Nhận dạng rầy phấn trắng hại lúa
Vòng đời rầy phấn trắng trung bình từ 17 - 24 ngày. Trứng có màu trắng đục đến nâu, được đẻ mặt dưới lá lúa, dính sát vào lá; thời gian trứng nở khoảng 6 - 8 ngày. Ấu trùng có 3 tuổi, sống mặt dưới lá lúa, dính sát vào lá di chuyển chậm hoặc không di chuyển; thời gian của ấu trùng khoảng 7 - 10 ngày.
Ấu trùng rầy phấn trắng trên lá lúa
Sau khi lột xác, ấu trùng chuyển sang giai đoạn nhộng giả, tiết ra nhiều lớp phấn và dính chặt vào bề mặt của lá; thời gian từ nhộng giả đến vũ hóa khoảng 2 - 4 ngày. Thành trùng sống và đẻ trứng tập trung chủ yếu ở mặt dưới của lá, nhưng khi mật số cao, chúng có thể đẻ ở mặt trên của lá và bẹ lá.
Sau khi vũ hóa, rầy phấn trắng có thể “bắt cặp” sau 10 - 20 phút và đẻ trứng sau đó vài giờ. Mỗi con cái có thể đẻ từ 7 - 100 trứng, trung bình là 35,87 trứng.
Triệu chứng gây hại
Rầy phấn trắng thường phát triển và gây hại nặng trong điều kiện nắng nóng, ẩm độ không khí thấp. Khi có mưa rào hoặc giông bão, mật số rầy phấn trắng giảm rõ rệt. Giai đoạn gây hại chủ yếu là ấu trùng ở tất cả giai đoạn của cây lúa. Trên ruộng lúa có 2 triệu chứng do rầy phấn trắng gây hại, gồm: Lá bị biến dạng và lá bị biến màu.
Thành trùng của rầy phấn trắng
Triệu chứng gây hại của rầy phấn trắng
Rầy phấn trắng làm lá lúa bị biến dạng, lá bị xoắn (gần giống với lùn xoắn lá). Triệu chứng xoắn lá chỉ xuất hiện sau khi cây lúa bị rầy phấn trắng tấn công khoảng 2 tuần trở đi. Nếu bị nhẹ, lá chỉ dợn sóng, còn bị nặng lá sẽ xoắn tít lại không thể quang hợp.
Rầy phấn trắng gây hại bằng cách chích hút nhựa lá làm cho lá lúa bị úa vàng (lá bị biến màu). Do ấu trùng rầy phấn trắng ít di chuyển nên làm cho lá lúa có những đốm vàng rời rạc. Nếu mật số cao, lá sẽ vàng, héo và cây chết nhanh. Bên cạnh đó, trên lá cũng xuất hiện nấm bồ hóng, cản trở sự phát triển, cây còi cọc và chết sớm.
Hướng dẫn kỹ thuật quản lý rầy phấn trắng
Về biện pháp canh tác, sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng, tránh lây lan sang vụ sau. Cần phải gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm” để giảm áp lực gây hại. Khi lúa bị nhiễm nặng, cần phải giữ mực nước trong ruộng lúa ổn định để giúp cây lúa nhanh hồi phục.
Về biện pháp sinh học, trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch bảo vệ ruộng lúa; không phun thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau khi sạ để giúp cân bằng hệ sinh thái.
Vỏ nhộng giả của rầy phấn trắng
Về biện pháp hóa học, tiến hành phun thuốc khi rầy phấn trắng có mật số cao, khoảng 5 ấu trùng/lá hoặc 15 - 20 con thành trùng (con bay)/chồi lúa, bằng một số thuốc có trong danh mục. Nên phun thuốc vào sáng sớm vì ẩm độ không khí còn cao, nhiệt độ buổi sáng thấp, rầy trưởng thành bay chậm, hoặc lúc chiều mát vì rầy phấn trắng thường vũ hóa vào lúc xế chiều. Khi phun, hạ vòi phun xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với rầy phấn trắng và bám dính vào mặt dưới của lá, nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng.
Chú ý, việc chọn thuốc phun là rất quan trọng, nên chọn các thuốc: Chlorfenapyr; Chlorfluazuron; Dimethoate; Dimethomorph, Pyridaben. Chỉ chọn thuốc chứa 1 hoạt chất (thành phần), phun thuốc cần đủ lượng nước (40 - 60 lít nước/1.000m2), cộng thêm chất bám dính có chứa Lauryl Sulfate.
Nông dân cần kiểm tra lại diện tích đã phun thuốc sau 3 - 5 ngày để kịp thời có biện pháp xử lý triệt để; có thể phun lặp lại nếu mật số ấu trùng/lá không giảm hoặc cao hơn.
Trường hợp lúa bị vàng do rầy phấn trắng ở mức độ trung bình đến nặng (trên 50% số lá bị vàng): Bón thêm phân đạm (5kg/1.000m2) kết hợp phân bón lá chứa NPK, giúp cây phục hồi. Mỗi chồi (nhánh) lúa còn đủ 3 lá xanh trên cùng sẽ đảm bảo tạo hạt tốt |
NGÔ CHUẨN