Huyện nông thôn mới khởi sắc

31/07/2023 - 20:20

 - 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đạt kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong 25 nhóm chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện năm 2023 đề ra, có 6 chỉ tiêu đạt và vượt, 7 chỉ tiêu đạt trên 60%; các chỉ tiêu còn lại đang tập trung thực hiện, đảm bảo đạt tiến độ.

Quyết liệt tăng tốc

Các tháng đầu năm 2023, UBND huyện Thoại Sơn tập trung đổi mới phương thức lãnh, chỉ đạo, điều hành, đưa KTXH địa phương chuyển biến tích cực; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách… Đặc biệt, huyện rà soát, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới (NTM); phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025).

Vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, nông dân trúng mùa (năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, sản lượng gần 286.000 tấn); đang thu hoạch 1.406ha lúa hè thu, năng suất 6,6 tấn/ha (giá bán lúa tươi từ 6.500 - 6.700 đồng/kg). Lúa chất lượng cao chiếm 71,7% so tổng diện tích xuống giống.

Liên kết tiêu thụ nông sản với các công ty, doanh nghiệp được 16.249ha (riêng mô hình “Liên kết Lộc Trời 123” là 13.749ha). Diện tích chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng rau màu 1.287ha (đạt 75,7%), lợi nhuận từ 45 - 65 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng cây ăn trái hơn 930ha (vượt 4,6%), lợi nhuận từ 60 - 120 triệu đồng/ha.

Kinh tế - xã hội huyện Thoại Sơn có nhiều điểm sáng

Đầu tư cơ sở hạ tầng được địa phương quan tâm, khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao so mặt bằng chung của tỉnh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vượt tiến độ, số lượng doanh nghiệp phát triển mới tăng; lượng khách du lịch trên 241.000 lượt, tăng hơn 88.000 lượt so cùng kỳ. Địa phương mở rộng 6,5km đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng 11 cây cầu.

Ở lĩnh vực lao động, việc làm, có 1.713 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, đạt 85,7% nghị quyết. Trong đó, xuất khẩu lao động 51 người; đang học định hướng 13 người. Tổ chức đào tạo nghề được 24 lớp cho 583 lao động, đạt 58,3% so nghị quyết; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc hơn 65%.

Cùng với đó, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm, thực hiện tốt. Cụ thể, địa phương hỗ trợ tiền Tết năm 2023 cho 731 hộ nghèo, 1.100 hộ cận nghèo (bình quân mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng); trợ cấp tiền Tết cho 6.173 người đang hưởng trợ cấp xã hội (600.000 đồng/người); tổ chức mừng thọ, chúc thọ 2.376 người cao tuổi. Song song đó, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Tập trung nhiệm vụ cuối năm

Trên cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị thời gian qua, Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thị Minh Kiều yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cuối năm 2023 đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Cụ thể, tập trung rà soát, đánh giá sát tình hình thực hiện chỉ tiêu chủ yếu về KTXH, để tập trung nguồn lực, giải pháp quyết liệt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2023 ở mức cao nhất. Tăng cường kiểm tra, khắc phục hạn chế, yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện; nâng cao trách nhiệm, vai trò tham mưu của các ngành.

 “Các ngành, địa phương cần tập trung chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo thu hoạch ăn chắc vụ lúa hè thu. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch xuống giống vụ thu đông; tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tập trung theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, công trình trường học đạt chuẩn quốc gia, hệ thống đèn chiếu sáng...

Tiếp tục triển khai đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đúng tiến độ, hiệu quả. Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cần hoàn thành hồ sơ công nhận xã NTM kiểu mẫu (xã Định Thành, Vĩnh Trạch), xã NTM thông minh (xã Thoại Giang); đôn đốc, kiểm tra tiến độ nâng chất xã NTM nâng cao theo chuẩn mới ở các xã còn lại” - Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thị Minh Kiều nhấn mạnh.

Đồng thời, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tài nguyên, khoáng sản, môi trường; quan tâm tình hình nạo vét sông, kênh rạch trái phép có nguy cơ gây sạt lở; chấn chỉnh hoạt động khai thác đất mặt ruộng. Các địa phương, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 07-CT/HU của Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Chỉ thị 10-CT/HU về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị; thường xuyên nắm bắt thông tin dư luận xã hội, kiên quyết xử lý triệt để, kịp thời vi phạm trật tự xây dựng, nhất là các công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

PHƯƠNG LAN