Kết nối cung cầu công nghệ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

10/06/2024 - 06:47

 - 45 năm xây dựng và phát triển, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) An Giang đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh, cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học phục vụ cho lãnh đạo tỉnh hoạch định các chủ trương, giải pháp, chính sách phát triển các lĩnh vực. Hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ là một trong giải pháp thiết thực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ.

Nhiều thành tựu

Để tạo môi trường cho phát triển KH&CN, ngành đã xây dựng nhiều chương trình hành động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, DN ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… được phổ biến kịp thời để Nhân dân áp dụng, tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập. Các DN sản xuất - kinh doanh tích cực tham gia hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, trong đó có tham gia của các Phiên kết nối cung - cầu công nghệ, nhằm thiết lập mối liên kết cung - cầu công nghệ giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học và khu vực sản xuất.

Tham quan, tìm hiểu các sản phẩm thiết bị công nghệ

Nhiều năm nay, Sở KH&CN tổ chức các Phiên kết nối cung - cầu công nghệ, thu hút các viện nghiên cứu, trường đại học, DN trong, ngoài tỉnh và nông dân, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời, sự kiện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao KH&CN vào sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp An Giang phát triển bền vững.

Năm 2024, Phiên kết nối cung- cầu công nghệ có quy mô hơn 30 gian hàng quy tụ các DN trong, ngoài tỉnh, các trường đại học tham gia, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm giải pháp, công nghệ tiên tiến, như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giới thiệu mô hình sản xuất các loại vật liệu; công nghệ sau thu hoạch, ứng dụng điều khiển thông minh trong chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi số trong DN, hợp tác xã (HTX)…

Đây cũng là cơ hội để các viện, trường, DN mở rộng thị trường, thương mại hóa các công trình nghiên cứu, cung cấp sản phẩm đến An Giang. Tại đây, nông dân có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất.   

Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với ĐBSCL và An Giang. Một trong những giải pháp cấp bách hiện nay là đổi mới công nghệ sản xuất, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến ứng phó với BĐKH.

TS Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Vai trò quan trọng của KH&CN trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH và nhu cầu an toàn thực phẩm ngày càng cao”. Với giải pháp cải tạo đất trồng lúa và kết quả ứng dụng từ năm 2018 - 2024, TS Bùi Hồng Hà đã đánh giá được kết quả năng suất mỗi vụ lúa tăng thêm 10 - 20%, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 20 - 30%, cây lúa sinh trưởng tốt, cải tạo và nâng cao chất lượng đất...

Nhiều công nghệ mới

ThS Phạm Hữu Tâm, Công ty Cổ phần Kỹ Nghệ Xanh Việt Nam vừa giới thiệu về các công nghệ sấy tiên tiến hỗ trợ nền nông nghiệp An Giang. Theo Ths Phạm Hữu Tâm, công nghệ sấy tiên tiến sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, như: Bảo quản thực phẩm hiệu quả; nâng cao giá trị sản phẩm; tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm thiểu lượng rác thải thực phẩm, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Đến với Phiên kết nối cung - cầu công nghệ, Trường Đại học An Giang trưng bày các sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu của các thầy cô khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Viện BĐKH và Trung tâm Tin học. Các sản phẩm có tính ứng dụng cao, như: Các giống/dòng lúa quý hiếm, lan đột biến, cá koi, nấm đông trùng hạ thảo, chúc sấy lạnh, phần mềm mô phỏng dòng chảy và lòng sông, phần mềm truy xuất nguồn gốc...; giúp trường tăng cường hợp tác với DN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Anh Lê Hữu Tín (Phòng Marketing, Công ty TNHH Tứ Thiên Kim (tỉnh Long An) - Đại lý ủy quyền Máy bay Nông nghiệp của DJI tại thị trường Việt Nam) cho biết: “Công ty muốn đưa công nghệ máy bay không người lái đến với nông dân An Giang, vì đây là vùng nông nghiệp trọng điểm, nên muốn đem công nghệ tốt nhất và chính sách giá cả, hậu mãi tốt nhất đến với bà con. Đặc biệt, là đưa máy bay nông nghiệp phổ biến hơn cho nông dân, giúp hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất nông sản”.

Tham quan sản phẩm, nông dân Trần Văn Gấp (ngụ xã Phú Long, huyện Phú Tân) chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất gần 70 công nếp, thấy cần thiết ứng dụng KH&CN, để nâng cao năng suất, giảm chi phí. Tới đây, tôi sẽ mua máy bay không người lái về phục vụ sản xuất”. Máy bay phun thuốc DJI Agras T50 thu hút nông dân, bởi khả năng phun mạnh mẽ (24lít/phút), hoạt động ổn định (đường truyền tín hiệu 2km, radar né vật cản nâng cao...), vượt trội hơn các dòng máy bay phun thuốc trước đây.

Mang đến công nghệ tự động hóa tiên tiến hàng đầu Châu Âu cho ngành nông thủy sản, đến với phiên kết nối, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Mettler - Toledo Việt Nam Vũ Hồng Dân cho biết: “Mettler - Toledo muốn đưa công nghệ mới đến An Giang, cơ hội tìm hiểu nhu cầu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Có mặt ở An Giang 5 năm, Mettler - Toledo nhận thấy đây là khu vực trọng điểm, tiềm năng lớn, thời gian tới, sẽ tập trung mạnh, kết nối với tỉnh, mang đến dòng sản phẩm kiểm soát tạp chất trong thành phẩm, đảm bảo chất lượng tuyệt đối trước khi ra thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu các thị trường khó tính”.

“Từ các Phiên kết nối cung - cầu đã tạo điều điện cho DN nâng cao khả năng tiếp cận, lựa chọn, ứng dụng công nghệ nâng cao. Tạo điều kiện cho nông dân, hợp tác xã, DN An Giang tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp. Từ đó, ứng dụng vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản, góp phần phát triển KTXH của tỉnh” - Phó Giám đốc Sở KH&CN Phan Văn Kiến cho biết

 

HẠNH CHÂU