Kết nối lưu thông nông sản

15/09/2021 - 04:57

 - Dịch bệnh có thể cần thời gian dài để kiểm soát. Nhưng cá tra, thủy sản, lúa, rau màu, trái cây… đến kỳ thu hoạch thì không thể chờ thêm. Do vậy, cần tạo thuận lợi tối đa cho thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản bằng các giải pháp đồng bộ, thống nhất. Trong đó, ưu tiên lớn nhất là phủ vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp nhằm hướng đến “sống chung hòa bình” với dịch bệnh.

Cần ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

Linh hoạt hỗ trợ

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, việc 23 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm bộc lộ những bất cập trong chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản. Ở ĐBSCL, lúa chín vàng đồng, trái cây, rau màu đến kỳ thu hoạch, cá tra chuẩn bị vượt size, gà, heo quá lứa… nhưng rất khó thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ. Trong khi đó, ở vùng tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, người dân nhiều nơi lại thiếu lương thực, thực phẩm, nông sản tươi.

Trước khó khăn này, nhiều nỗ lực kết nối, hỗ trợ đã được thực hiện. Bộ Tư lệnh Quân khu 9 điều lực lượng, phương tiện hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL thu hoạch nông sản, vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân điều tàu chuyên dụng (tải trọng từ 300-400 tấn), hỗ trợ vận chuyển phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp theo chiều từ TP. Hồ Chí Minh xuống ĐBSCL; đồng thời hỗ trợ vận chuyển nông sản, lương thực, thực phẩm từ ĐBSCL lên TP. Hồ Chí Minh (cập bến tại cảng của Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân, phường Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).

Một trong những đột phá, sáng tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cho ra mắt Tổ công tác 970. Dù chưa tới 2 tháng hoạt động, nhưng Tổ công tác 970 đã phần nào gỡ khó, giải bài toán lưu thông, tiêu thụ nông sản. Thông qua Tổ công tác 970, đã kết nối trên 1.400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm từ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã vùng ĐBSCL, đáp ứng hàng hóa theo yêu cầu của người dân TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương thông qua “túi đặt hàng combo”.

Tổ công tác 970 còn vận hành trang web cung cầu nông sản (https://htx.cooplink.com.vn), giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối, mua bán nông sản khi người mua, người bán tự liên hệ với nhau. Theo thống kê, mỗi ngày có 300-400 tấn nông sản được kết nối tiêu thụ thành công, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn nông sản. Một số chợ đầu mối lớn tại TP. Hồ Chí Minh hiện được hoạt động trở lại, dự báo lượng nông sản tiêu thụ sẽ tăng lên. Sắp tới, Bộ NN&PTNT làm đầu mối ký kết hợp tác tiêu thụ giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL, càng tạo điều kiện kết nối, lưu thông hàng hóa, nông sản lâu dài.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân kết nối và tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn, Sở NN&PTNT thành lập Tổ Xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản. Qua hơn 1 tháng thành lập, Tổ kết nối thành công hàng chục lượt mua bán với 17.890 tấn lúa, nếp; 595 tấn rau, màu; 164 tấn trái cây; 1.534 tấn thủy sản; 316.000 trứng gia cầm. Qua hỗ trợ kết nối với Tổ công tác 970, An Giang phối hợp cung ứng 4.000 combo nông sản (combo gồm: cam, củ cải trắng, bắp, đu đủ và dưa leo) kết nối với Big C; hỗ trợ 13 hợp tác xã đăng ký danh sách đầu mối cung ứng nông sản cho TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ 5 đơn vị đăng ký 19 combo nông sản kết nối cung ứng đến TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ thiết kế 4 poster combo cho Trung tâm Giống Thủy sản và Hội Nông dân Chợ Mới; gửi báo giá sản phẩm rau, củ về Tổ công tác 970 kết nối đơn vị thu mua.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, từ nay đến cuối năm 2021, lượng nông sản của An Giang cũng như vùng ĐBSCL thu hoạch rất lớn, cần kết nối tiêu thụ. “Đặc thù nông nghiệp của ĐBSCL gần giống nhau, trong khi nhiều khâu trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu vượt qua tầm quản lý của từng tỉnh. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần xây dựng phương án áp dụng chung cho toàn vùng ĐBSCL, tạo thông suốt lưu thông hàng hóa. Trong đó, đề xuất ưu tiên phân bổ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm bao phủ các lực lượng tham gia chuỗi nông nghiệp, từ nông dân, nhân công thu hoạch đến tài xế, tài công, người bốc xếp, công nhân ở các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản, giúp ngành nền nông nghiệp “sống chung” với dịch bệnh” - ông Lâm đề xuất.

Tại cuộc họp với các tỉnh phía Nam do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì, nhiều địa phương, DN đề nghị cần tạo điều kiện cho DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản phục hồi sản xuất. Bởi chỉ có sự tham gia tích cực của DN, mới xây dựng chuỗi sản xuất hiệu quả, bền vững. Trong đó, thay vì duy trì sản xuất “3 tại chỗ” (gây khó khăn, tốn kém cho DN và gánh nặng tâm lý cho công nhân), có thể chuyển sang phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc “1 cung đường, nhiều điểm đến”.

Nên giao DN tự chủ, tự chịu trách nhiệm về giám sát y tế như: tự test nhanh, phối hợp tổ chức xét nghiệm PCR mẫu gộp cho công nhân định kỳ; quản lý việc chấp hành quy định phòng, chống dịch của công nhân. Trên cơ sở chủ động xử lý y tế, DN cam kết xây dựng phương án “3 xanh” (công nhân xanh; nơi ở của công nhân xanh; nhà máy, cơ sở sản xuất xanh) để được hoạt động. Như vậy sẽ thích ứng và “sống chung lâu dài” với dịch bệnh.        

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết phục hồi sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, đề xuất phương án sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản khu vực phía Nam sau ngày 15-9 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

NGÔ CHUẨN