Kết nối thị trường lao động, việc làm

07/11/2023 - 06:41

 - Do tác động chung của thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng và duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ). Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm, cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, để hỗ trợ NLĐ chuyển đổi, tìm việc làm mới.

Kỳ vọng khởi sắc

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang đã phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức được 14 phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm và 40 điểm (cụm) tư vấn kết nối việc làm cho NLĐ. Kết quả, có 397 DN tham dự (171 trực tiếp, 226 trực tuyến), với 16.170 lao động tham gia. Bên cạnh, có 476 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tính đến 30/10). Đơn vị còn tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ tổ chức, với 59 DN tham gia, có hơn 848 vị trí việc làm trống cần tuyển dụng.

Lĩnh vực ngành nghề đang được tuyển dụng chiếm ưu thế hiện nay là tài chính ngân hàng, bảo hiểm, thương mại - dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang Hồ Hoàng Tuấn thông tin, thị trường lao động từ đây đến cuối năm được đánh giá có nhiều chuyển biến khởi sắc. Theo số liệu khảo sát về nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh trong quý IV/2023, nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu tập trung ở các nhóm ngành kinh tế của DN như công nghiệp - xây dựng, chiếm trên 60% tổng nhu cầu tuyển dụng. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối nối cung - cầu lao động, thông qua việc phối hợp các địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ giao dịch việc làm, nắm bắt thu thập thông tin thị trường lao động về “việc tìm người - người tìm việc” tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, thực hiện việc khảo sát DN và NLĐ nhằm phục vụ phân tích và dự báo thị trường lao động của tỉnh. Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng lao động vào đầu năm 2024 của các DN trên địa bàn tiếp tục có sự biến động, nhu cầu cần tuyển mới trên 4.000 lao động.

Đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm kết nối cung - cầu giữa nhà tuyển dụng với người lao động

Tuy có những tín hiệu tích cực, nhưng thị trường lao động hiện nay còn nhiều mặt hạn chế. Do thị trường lao động trong tỉnh phát triển chưa đủ mạnh để tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các ngành nghề thường xuyên tiếp diễn và nguồn nhân lực chất lượng chưa cao. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, hàng triệu NLĐ bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp. Phần lớn lao động tự do, lao động không có chuyên môn kỹ thuật đã rời khỏi thị trường lao động.

Nhiều người di cư trở về quê khiến quan hệ cung - cầu bị ảnh hưởng. Tỉnh đang khan hiếm lao động trình độ cao. Những lao động muốn duy trì việc làm, chuyển đổi nghề hoặc thích ứng sau đại dịch thì thiếu hụt nhiều kỹ năng. Trong khi đó, giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Về lâu dài, cần có những chính sách chủ động và toàn diện dành cho NLĐ, từ nhà ở, đào tạo nghề, đến an sinh xã hội, nhất là lao động giản đơn, để tránh những tác động tiêu cực từ thị trường lao động.

Thay đổi để thích ứng lâu dài

Theo ông Hồ Hoàng Tuấn, để thích ứng với biến động thị trường trong tình hình mới, nhất là khi các DN đang chuyển dần công nghệ số, ngành chức năng và NLĐ cũng phải bắt nhịp kịp thời để không bị bỏ lại phía sau. Trước hết, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, quản trị, vận hành thị trường lao động và tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia học nghề và các hoạt động giao dịch việc làm… Để phục hồi và ổn định thị trường lao động, cần rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng nhằm kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Cùng với đó, phát triển các cơ sở đào tạo chất lượng cao.

Nhằm thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, tỉnh cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao. Kế đến, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ…

 Giải pháp cần quan tâm nữa là đầu tư cho đào tạo nâng cao tay nghề NLĐ và tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động; chủ động có giải pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển thị trường lao động bền vững.

Theo đánh giá của Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội về tình hình lao động, việc làm 9 tháng năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, nhu cầu tuyển dụng vẫn cao hơn số lao động bị mất việc làm. Tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các DN đã “giảm nhiệt”.

 

MỸ HẠNH