Kết nối tiêu thụ nông sản

05/08/2021 - 09:13

Dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn cho khâu thu hoạch, tiêu thụ và vận chuyển nông sản, nhưng cũng là cơ hội để xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ mới. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời là trung tâm kết nối các doanh nghiệp (DN) thu mua, là “cánh tay nối dài” của tỉnh trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gắn với mô hình liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.

Lúa hè thu cần hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nhanh

Nông dân gặp khó

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã làm bộc lộ sự yếu ớt trong cách thức sản xuất, tiêu thụ nông sản lâu nay. Việc nông dân trồng tự do rồi đến kỳ thu hoạch thì chờ thương lái đến mua đã cho thấy tính bất ổn. Đợt kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trùng vào thời điểm thu hoạch rộ vụ hè thu 2021 ở An Giang cũng như vùng ĐBSCL. Do đa phần DN, thương lái, kho chứa lúa nằm ở ngoài tỉnh nên khi thương lái hạn chế vào An Giang thu mua, tiêu thụ lúa của nông dân vì thế lập tức gặp khó khăn.

Tại “vựa lúa” huyện Thoại Sơn, đến nay đã thu hoạch được khoảng 61% trong tổng diện tích xuống giống 23.380ha vụ hè thu, hiện còn 14.700ha sẽ thu hoạch đến ngày 15-8. Với 328 máy gặt đập liên hợp hiện có, cơ bản đảm bảo thu hoạch lúa trên địa bàn. Tuy nhiên, cái khó là thương lái ngoài tỉnh ngại vào An Giang thu mua. “Họ ngại khi mua lúa ở An Giang quay trở về, sẽ bị cách ly tập trung. Trong tình hình mưa giông như hiện nay, cần tiêu thụ lúa càng sớm càng tốt. Huyện kiến nghị UBND tỉnh có văn bản thống nhất với các tỉnh, thành phố trong vùng, không cách ly tập trung đối với thương lái, người theo ghe thu mua lúa mà có thể yêu cầu họ sinh hoạt, cách ly ngay trên ghe hoặc giới hạn trong khu vực nào đó. Đồng thời, cần thông luồng đối với phương tiện đường thủy vận chuyển nông sản, tạo thuận lợi cho thương lái vào An Giang thu mua lúa” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm đề xuất.

Tại huyện Tri Tôn, địa phương xuống giống vụ lúa hè thu lớn nhất tỉnh (31.200ha), hiện còn hơn 11.000ha chưa thu hoạch. Trong điều kiện mưa thường xuyên, lúa cần được thu hoạch càng nhanh càng tốt. “Quy định hiện nay không cho người dân ra đường sau 18 giờ. Tuy nhiên, cần cho phép nông dân thu hoạch lúa ban đêm theo phương châm chống dịch “3 tại chỗ”. Đồng thời, phân quyền UBND cấp xã được cấp giấy thăm đồng cho nông dân để họ tiện chăm sóc lúa, bón phân, phun thuốc…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí nêu ý kiến.

Hướng đến lợi nhuận bền vững

Vụ hè thu này, toàn tỉnh An Giang xuống giống 228.479ha lúa, hiện thu hoạch gần 70% diện tích. Như vậy, còn hơn 70.000ha sẽ thu hoạch dứt điểm đến hết tháng 8-2021, trong đó cao điểm là đến ngày 15-8 khi tỉnh vẫn còn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các địa phương cần thống kê cụ thể diện tích, sản lượng thu hoạch đến ngày 15-8 và sau ngày 15-8. Trong đó, thông tin đầy đủ về địa bàn thu hoạch, thời gian dự kiến thu hoạch, giống lúa canh tác về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để sở phối hợp Sở Công thương kết nối DN tiêu thụ. “Tập đoàn Lộc Trời liên kết với các đối tác thu mua 350.000 tấn lúa trên địa bàn An Giang. UBND tỉnh đã kết nối thêm DN lớn cho Lộc Trời khoảng 300.000 tấn nữa, như vậy thừa năng lực thu mua toàn bộ sản lượng lúa còn lại trên địa bàn tỉnh” - ông Trần Anh Thư thông tin.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, Lộc Trời đã chuẩn bị nguồn vốn cho 6 đơn hàng từ 500 - 2.000 tỷ đồng, đủ thu mua toàn bộ diện tích lúa liên kết và mở rộng thu mua thêm để giúp nông dân tiêu thụ thuận lợi. “Thông tin chúng tôi cần là địa bàn thu hoạch, giống lúa canh tác, sản lượng, ngày cắt để lên kế hoạch thu mua. Toàn bộ nhân viên “chốt giá” thu mua của Lộc Trời đều được xét nghiệm SARS-CoV-2, được tiêm vaccine mũi 1. Nhân viên tự xuống thăm đồng, chốt giá và hẹn ngày cắt với nông dân qua điện thoại nên không tiếp xúc ai. Về xét nghiệm, Lộc Trời sẵn sàng mở rộng xét nghiệm cho thương lái, đội ghe thu mua lúa, đồng thời tài trợ bộ KIT test nhanh để xét nghiệm cho lực lượng thu hoạch, bốc vác lúa ở các địa phương” - ông Thuận nhấn mạnh.

Về giá thu mua, ông Thuận cho biết, Tập đoàn Lộc Trời sẵn sàng mua lúa OM5451 với giá từ 4.800 đồng/kg trở lên, chấp nhận mua cao hơn 500 đồng/kg so giá thị trường. Riêng giống lúa OM5451 trong vùng nguyên liệu của Lộc Trời, DN thu mua không dưới 5.000 đồng/kg nếu đạt độ ẩm 25%, cắt đúng ngày. Đối với giống OM18, giá thu mua không dưới 5.500 đồng/kg. “Nếu nông dân gặp khó trong sản xuất vụ sau, Lộc Trời sẵn sàng cung cấp toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ phun thuốc bằng máy bay không người lái và thu mua toàn bộ sản lượng lúa, đảm bảo nông dân có lời 10 triệu đồng/ha” - ông Thuận khẳng định.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết thêm, năng lực sấy của 5 nhà máy ở An Giang hiện đạt 4.600 tấn lúa/ngày (rải đều ĐBSCL có 16 nhà máy sấy). Cái khó của Tập đoàn Lộc Trời là không có đủ kho trữ lúa nếu thu hoạch cùng lúc. “Nếu canh tác rải vụ theo kế hoạch của Lộc Trời, chúng tôi sẽ có đội gặt chuyên nghiệp hỗ trợ thu hoạch, đảm bảo năng lực sấy, kho chứa và lợi nhuận ổn định, bền vững cho nông dân tham gia” - ông Nguyễn Duy Thuận thông tin.

Nhằm tạo thuận lợi cho thương lái và lực lượng thu mua lúa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu: nếu là lực lượng trong địa bàn tỉnh thì chỉ kiểm tra, cần thiết thực hiện test nhanh, chứ không cách ly khi di chuyển từ huyện này qua huyện khác. Đối với thương lái ngoài tỉnh, UBND tỉnh sẽ có văn bản trao đổi, thống nhất hỗ trợ, tạo thuận lợi thu mua nông sản.

NGÔ CHUẨN