Thu hoạch xoài
Toàn huyện An Phú có 2.061ha trồng cây ăn trái, chiếm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp, phân bố chủ yếu ở các xã Tây sông Hậu và một phần của Phú Hữu. Trong đó, diện tích trồng xoài gần 1.870ha, đang cho trái 1.611ha. Năm 2023, đã cấp và tái chứng nhận 61 mã số vùng trồng, diện tích hơn 1.159ha; có 2 vùng nguyên liệu trồng xoài đạt chuẩn Global GAP, tổng diện tích 325ha. Sản phẩm xoài keo của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Long Bình được chứng nhận OCOP 3 sao.
Diện tích cây ăn trái tăng, đòi hỏi phải đầu tư công nghệ trong khâu chăm sóc, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP giúp nhà vườn có đầu ra ổn định. Đồng thời, kiểm soát được việc sử dụng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu.
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND huyện tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Kế hoạch 24-KH/HU, ngày 13/7/2012 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện An Phú. Trong các năm qua, huyện thu hút vốn đầu tư trên 20,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 6,5 tỷ đồng, vốn dân hơn 11 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 2,5 tỷ đồng, vốn dự án 280 triệu đồng.
Hiện, có 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm, như: Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời; HTX DH Farm Phú Hữu; HTX Xoài Long Bình; HTX nông nghiệp Khánh An; Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu; Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco); Công ty Chánh Thu (Bến Tre), Công ty Cát Tường (Tiền Giang), Công ty Hoàng Phát (Long An)...
Về kinh tế tập thể, huyện An Phú có 21 HTX với 1.161 thành viên, diện tích phục vụ hơn 1.960ha (ngoài thành viên là 356ha). Huyện có 3 HTX đạt hiệu quả cao (HTX DH Farm Phú Hữu, HTX Nông nghiệp Khánh An, HTX Nông nghiệp Long Bình), lợi nhuận mang lại hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, toàn huyện có 62 tổ hợp tác (THT), gồm 41 THT trồng trọt, 12 THT chăn nuôi, thủy sản và 9 THT dịch vụ. Năm 2023, toàn huyện được cấp 7 mã số vùng trồng, diện tích hơn 404ha, tái chứng nhận 54 mã số với 755ha. Trong đó, cây ăn trái 61 mã số với diện tích 1.159ha.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật huyện An Phú, công tác chuyển giao, giới thiệu, trình diễn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, sản xuất theo chuỗi liên kết phù hợp nhu cầu thị trường và doanh nghiệp đạt nhiều kết quả. Việc liên kết tiêu thụ trên địa bàn huyện được doanh nghiệp quan tâm. Mô hình hiệu quả được nhân rộng, như: Ứng dụng hệ thống tưới phun, tưới nước tiết kiệm và điều khiển hệ thống từ xa qua điện thoại thông minh… Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã phát huy được tiêu chí về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế vượt trội; là bước đệm để phát triển mạnh vào giai đoạn tiếp theo.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Thị Lê cho biết: “An Phú có diện tích trồng xoài rất lớn, nhưng hầu hết nông dân tự sản xuất, tự bán, nên thiếu bền vững. Để nâng cao hiệu quả trong canh tác, tránh rủi ro về giá, nông dân cần liên kết vùng trồng, sản xuất theo hướng an toàn và mạnh dạn kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng đi phù hợp, không những mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, mà còn nâng cao giá trị trái xoài ở huyện An Phú”.
An Phú xác định xoài keo là cây ăn trái chủ lực của huyện. Huyện phát triển chuỗi liên kết sản xuất, duy trì vùng nguyên liệu xoài đạt chuẩn Global GAP tại xã Phú Hữu; phối hợp HTX DH Farm lập hồ sơ nâng cấp vùng nguyên liệu xoài Khánh Bình, Khánh An và Long Bình đạt chuẩn Global GAP; kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng cũ, đánh giá cấp lại mã số vùng trồng mới; rà soát hộ, THT, HTX có nhu cầu cấp mã số vùng trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và thủ tục… để đảm bảo khâu tiêu thụ.
Bà Đoàn Thị Hoa Ngân (Công ty Nafoods Group) chia sẻ định hướng trong tiêu thụ, xuất khẩu trái cây, nhất là xoài keo ở huyện An Phú. Trung bình mỗi năm, công ty liên kết tiêu thụ từ 15.000 - 18.000 tấn xoài, riêng xoài keo chiếm 70% - 75% nhu cầu. Công ty mong muốn kết nối, tiêu thụ sản phẩm xoài để có nguồn nguyên liệu ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất. |
HỮU HUYNH