Khai thác dư địa phát triển ngành nông nghiệp

03/02/2023 - 07:21

 - Dù trong hoàn cảnh nào, ngành nông nghiệp vẫn được xem là bệ đỡ phát triển của kinh tế An Giang. Bên cạnh lợi thế tự nhiên, khí hậu, nguồn nước, ngành nông nghiệp An Giang đang tập trung khai thác dư địa phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Dấu ấn nông nghiệp, nông thôn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn chung, nhất là chuỗi cung ứng nông sản đôi lúc gián đoạn, ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn.

Nhiều năm qua, mục tiêu tăng trưởng (GO) ở mốc 2,7% là “mơ ước” của ngành nông nghiệp An Giang. Tuy nhiên, năm 2022, tăng trưởng ngành nông nghiệp vượt xa kỳ vọng khi đạt 3,16% (kịch bản đề ra là 2,7%). Trong đó, GO trồng trọt đạt 31.648 tỷ đồng, tăng 2,3%, tương đương 720 tỷ đồng (kịch bản tăng 573 tỷ đồng); GO chăn nuôi đạt 2.079 tỷ đồng, tăng 12,8%, tương đương 236 tỷ đồng (kịch bản 207 tỷ đồng); GO thủy sản đạt 11.595 tỷ đồng, tăng 5,85%, tương đương 641 tỷ đồng (kịch bản 620 tỷ đồng). Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 94% theo kế hoạch.

Không những tăng trưởng đều trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, An Giang còn đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 68/116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 58,62%. Ngành chuyên môn hiện đang kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các xã trong lộ trình xây dựng NTM, NTM nâng cao năm 2022 củng cố hồ sơ, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo và trình tự thủ tục để đề nghị công nhận thêm các xã: Phước Hưng (huyện An Phú), Thạnh Mỹ Tây và Bình Mỹ (huyện Châu Phú), Hòa Bình Thạnh và Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành), Nhơn Mỹ và Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới). Như vậy, dự kiến sẽ có thêm 6 xã NTM, nâng tổng số xã NTM toàn tỉnh lên 74/116 xã, đạt tỷ lệ 64% (trong đó có 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao).

“Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch liên kết, tiêu thụ nông sản ngay từ đầu năm, bố trí cơ cấu giống phù hợp với mùa vụ, diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm việc tiêu thụ nông sản một cách thuận lợi nhất, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp năm 2022 của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan” - ông Lâm đánh giá.

Nâng cao giá trị, hướng đến bền vững

Xác định liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ngành nông nghiệp An Giang rất quan tâm và tích cực triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp (DN). Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và dần hình thành vùng nguyên liệu lớn cho DN xuất khẩu.

Đến nay, toàn tỉnh có 211 HTX nông nghiệp với 13.269 thành viên, trong đó có 27 HTX thành lập mới (đạt 100% kế hoạch). Trong số 840 người tham gia quản lý, điều hành HTX, có 169 người đạt trình độ đại học, cao đẳng trở lên, đạt 20,12%. Năm 2022, tỉnh đã thành lập mới thêm được Liên hiệp HTX Tri Tôn, gồm 12 HTX thành viên tham gia. Liên hiệp HTX Tri Tôn cùng với Liên hiệp HTX Thoại Sơn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới trong kinh tế hợp tác. Theo thống kê, có trên 40 HTX nông nghiệp có liên kết với DN thực hiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối năm 2022, có 4 HTX đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (sản phẩm nước ép xoài), HTX nông nghiệp An Bình (gạo An Bình 1), HTX TMDVDL Khánh Hòa (nhãn xuồng), HTX nông nghiệp Long Bình (xoài keo). Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận thêm sản phẩm OCOP là khô ếch một nắng của HTX thương mại dịch vụ chăn nuôi ếch Khánh Hòa và sản phẩm sà rông của HTX dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo.

Bên cạnh hỗ trợ phát triển HTX, An Giang còn có 960 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động (tăng 30 THT so năm 2021), tổng số thành viên là 15.213 người. Các THT hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực: Trồng trọt (481 THT); chăn nuôi và thủy sản (243 THT); dịch vụ và lĩnh vực khác (209 THT); tín dụng (27 THT). Đây là những tổ chức tiềm năng để nâng lên thành HTX.

Trong khi nhiều tỉnh gặp khó khăn trong liên kết sản xuất thì diện tích “Cánh đồng lớn” ở An Giang tiếp tục tăng. Năm 2022, ước diện tích thực hiện liên kết sản xuất lúa, nếp đạt 115.000ha, tăng 45.000ha so năm 2021. Đối với rau màu, liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua 7 DN, 1 nông trại, 1 HTX, 1 tổ sản xuất rau an toàn và các chợ đầu mối, siêu thị Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Winmart, Mega Market Long Xuyên, thương lái với diện tích 4.532ha, sản lượng khoảng 90.640 tấn. Đối với cây ăn trái, năm 2022 có 10 DN và chợ đầu mối, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương lái thực hiện hợp đồng liên kết và tiêu thụ với diện tích 9.947ha. Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đang được đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ…

Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu tăng trưởng từ 3,2-3,5%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 94,5%; tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán duy trì mức 22,4%; phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM (đến cuối năm 2023 đạt 82 xã NTM), trong đó có thêm 8 xã NTM nâng cao.


NGÔ CHUẨN