Đền bà Chúa Thác Bờ (thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc) nổi tiếng là ngôi đền tâm lịch tại vùng đất Hòa Bình. Không gian linh thiêng của ngôi đền hòa quyện với vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên tạo nên bức tranh hữu tình tuyệt đẹp.
Năm 2009, động Thác Bờ đã được chứng nhận Di tích Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Thời điểm nào thăm đền Chúa Thác Bờ đẹp nhất?
Theo kinh nghiệm của nhiều khách hành hương, thời điểm ghé thăm đền Chúa Thác Bờ đẹp nhất là vào mùa Xuân-Hạ, nhất là khi diễn ra lễ hội đền Chúa Thác Bờ diễn ra từ ngày mồng 7 tháng Giêng, kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, từ những ngày tháng Chạp của năm cũ, nơi đây đã có rất đông khách về lễ tạ.
Bạn cũng có thể thăm đền vào mùa Hè. Lúc này mọi người có thể khám phá không gian sông nước, hang động với nhiều dãy núi đá vôi giữa không khí tươi mát.
Để đến đền, du khách phải đi 2 chặng. Sau tuyến đường bộ là đến chặng đường sông với 3 tuyến đường chính: từ cảng du lịch Thung Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) là cảng gần đền nhất với thời gian di chuyển bằng thuyền máy khoảng 15 phút; từ cảng Bích Hạ, xã Hòa Bình (thành phố Hòa Bình) đến đền với thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi; từ bến nước xã Bình Thanh (Cao Phong) đến đền chừng 45 phút.
Bên cạnh đó bạn cũng có thể kết hợp hành trình tới đền Chúa Thác Bờ với nhiều điểm tham quan nổi tiếng khác ở Hòa Bình như Thung Nai, Nhà máy Điện Thủy Hòa Bình…
Lịch sử hình thành đền
Đền Chúa Thác Bờ có địa thế tựa núi hướng sông, với một hồ xanh rộng lớn tuyệt đẹp bao bọc cùng những hang động thạch nhũ lấp lánh.
Theo truyền thuyết, đền Chúa Thác Bờ thờ hai nữ tướng Đinh Thị Vân (người dân tộc Mường) và một phụ nữ không rõ tên (người dân tộc Dao). Dưới thời vua Lê Lợi, hai bà đã có công giúp dân và quân vận chuyển lương thực, thuyền bè qua Thác Bờ lên Mường Lễ (Sơn La) dẹp loạn.
Nhằm ghi công hai nữ tướng, triều đình đã giao mảnh đất Mường tại Hòa Bình lại cho hai bà cai quản. Từ đó, người dân nơi đây được hai bà giúp đỡ ổn định cuộc sống, đồng bào được học cách lên nương làm rẫy, giăng lưới đánh bắt cá tôm.
Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp người dân an toàn vượt qua con thác nổi tiếng hiểm trở, khắc nghiệt khi sông Đà chưa ngăn dòng. Nhân dân biết ơn nên lập đền thờ hai bà nhằm tỏ lòng thành kính và mong muốn hai bà sẽ phù hộ, che chở cho họ bình an tránh khỏi nguy hiểm khi đi qua dòng nước.
Khám phá ngôi đền linh thiêng
Được xây dựng theo thế nhìn sông, tựa núi với phong cảnh hữu tình, đền Thác Bờ được chia làm 2 khu vực, đền bà Chúa Thác Bờ phía tả ngạn nằm trên đỉnh đồi Hang Thần, thuộc xã Vầy Nưa và đền Thác Bờ phía hữu ngạn nằm ở chân Thác Bờ, ngay cạnh sông Đà.
Trải qua một số lần trùng tu, xây dựng lại, đền vẫn giữ được những nét độc đáo, đặc trưng.
Đền phía tả ngạn có kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh, gồm nhà đại bái và nhà hậu cung. Phía trước đền có 5 cửa được lợp bằng mái ngói vảy cá. Cửa chính treo bức đại tự viết bằng chữ Hán. Trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu.
Đền phía hữu ngạn gồm 3 gian thờ chính và hậu cung, được xây 2 tầng tựa vào núi. Tầng 1 làm nơi nghỉ trọ cho khách hành hương, tầng 2 là nơi thờ tự các vị thần linh.
Đền sở hữu 38 pho tượng, trong đó bao gồm 2 pho tượng đồng thờ hai nữ tướng. Pho tượng lớn của đền nằm trong hang động mát mẻ và khô ráo quanh năm. Quanh hang có những cột thạch nhũ đủ loại kích thước, hình dạng lung linh trong ánh điện lờ mờ, khiến khung cảnh thêm phần linh thiêng và ảo mộng.
Trong đền không chỉ thờ bà Chúa Thác Bờ mà còn thờ các vị thần thánh khác như công đồng quan lớn, ngũ vị tôn ông, bà chúa Sơn Trang, tứ phủ Thánh Cô, tứ phủ Thánh Cậu, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn, tứ phủ Chầu Bà…
Ngoài thăm quan đền thờ bà Chúa Thác Bờ và đền Thác Bờ, du khách được thăm quan động Thác Bờ rộng lớn và tuyệt đẹp, thưởng thức những món đặc sản vùng sông nước sông Đà.