1 ngày đêm, sạt lở 2.300m2 đất
Ông Lê Văn Nghiêm (68 tuổi, ngụ ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng) kể lại trong hốt hoảng: “Khoảng 11-12 giờ ngày 11-9, đang ở dưới sông, tôi nghe đống gạch đổ xuống ào ào, kéo theo 1 cây gừa, chiếc tắc ráng, bụi tre…xuống sông. Rồi SL liên tục diễn ra trong tích tắc, không thể tưởng tượng nổi. Nhà tôi 6 nhân khẩu, giờ phải di tản gấp. Trước mắt, tôi kêu tất cả ở nhờ nhà người con ruột, rồi tính sau”. Kể từ giờ phút đó, 11 hộ dân, 13 căn nhà, 43 nhân khẩu phải rời khỏi khu vực nguy hiểm để bảo vệ tính mạng. Cả đêm lạ chỗ, xót nhà, họ không ngủ được! Rạng sáng hôm sau, tại ấp Mỹ Khánh 1 diễn ra SL dài 50m, rộng 20m, khiến 7 hộ dân khác phải quýnh quáng di dời. Một số phụ nữ vừa dọn đồ, vừa khóc. Đang có nhà ở ổn định, bỗng dưng trở nên trắng tay, vô gia cư, không khổ tâm sao được? Thấy vậy, những người đàn ông, thanh niên bình tĩnh hơn nhanh tay bưng tài sản ra khỏi nhà, cố gắng cứu được món nào, đỡ món đó. Trong khi ấy, triều cường, lũ thượng nguồn, mưa bão đang ầm ào kéo về…
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo TP. Long Xuyên, xã Mỹ Hòa Hưng đã túc trực tại hiện trường. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự TP. Long Xuyên, Lữ đoàn 962, người dân… nỗ lực di dời kiến trúc, tài sản của bà con ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn quỹ Bảo trợ Xã hội (ngân sách thành phố) để tạm ổn định khó khăn trước mắt. “Bà con vùng SL nếu có nhà người thân, con cháu trong xã thì chuyển đồ đến tá túc đỡ. Nếu không, địa phương có thể bố trí ở tạm trong Văn phòng ấp, Nhà Văn hóa xã… Đợi xử lý cơ bản ổn thỏa các khu vực SL, địa phương sẽ tính toán phương án, cách thức hỗ trợ bà con tái định cư theo chính sách của Nhà nước” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Phạm Thành Thái động viên người dân.
Vụ sạt lở ngày 12-9 tại xã Mỹ Hòa Hưng
Nỗ lực gia cố sạt lở
Câu chuyện ở xã Mỹ Hòa Hưng không phải cá biệt. TP. Long Xuyên có tổng cộng 87 đoạn SL, chiều dài 17.607m. Ngày qua ngày, tình trạng SL diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Theo kết quả quan trắc và cảnh báo SL đất bờ sông trên địa bàn tỉnh đợt II-2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường, TP. Long Xuyên có 6 đoạn cảnh báo SL, tổng chiều dài 12.500m từ mức độ trung bình đến mức độ rất nguy hiểm. Trong đó có 2 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ xảy ra SL rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn: đoạn sông Hậu từ bến đò Cần Xây đến đuôi cồn Nguyễn Du; đoạn đầu cù lao Mỹ Hòa Hưng (ấp Mỹ Thuận). Ngoài ra, 3 đoạn được cảnh báo ở mức độ nguy hiểm gồm: đoạn cù lao cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng) và 2 đoạn rạch Cái Sắn trên địa bàn phường Mỹ Thạnh (tính từ chợ Cái Sắn đến cầu Đình; cầu Đình đến ranh Vĩnh Trinh, Cần Thơ).
Còn lại chủ yếu là SL nhỏ, đoạn ngắn, nằm cặp theo các tuyến đường giao thông nông thôn, làm ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, giao thương, mua bán hàng hóa của người dân trong khu vực. Không chỉ vậy, thành phố còn phát sinh 5 điểm SL mới. Trong đó, có nhiều đoạn SL nghiêm trọng nằm ở các tuyến đường độc đạo của các địa phương như: đoạn SL kênh Lò Men (phường Mỹ Thới), đoạn SL chân cầu Ba Miễu (phường Mỹ Thạnh) và đoạn sạt lở tại tổ 5, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Long Xuyên Nguyễn Công Lý, SL trên địa bàn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: cấu tạo địa chất, tác động của dòng chảy, biến đổi khí hậu, tình trạng khai thác cát trái phép… Bên cạnh đó, hệ thống đê bao, đường giao thông, nhà cửa dân cư đông đúc dọc theo các tuyến sông, kênh, làm gia tăng tải trọng; hoạt động phương tiện vận tải bộ và thủy góp phần làm gia tăng SL. Công tác ứng phó tình hình SL còn nhiều vướng mắc.
Khẩn trương di dời tài sản, kiến trúc ra khỏi vùng sạt lở
“Tuy nhiên, thời gian qua, ngay sau khi xảy ra SL, đơn vị phối hợp các phòng ban có liên quan, địa phương khẩn trương nắm tình hình; cấm tải trọng, cảnh báo khu vực sạt lở, vận động và khuyến cáo người dân di dời ra khỏi vùng sạt lở; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở, đề xuất chủ trương UBND thành phố thuê đơn vị tư vấn có năng lực khảo sát phương án khắc phục đối với những đoạn SL nghiêm trọng. Vừa qua, đoạn SL ở xã Mỹ Khánh được khắc phục bằng cách đóng cừ tràm, chất rọ đá 1.010m, tổng kinh phí 19,6 tỷ đồng. Đoạn có sự cố do hố xoáy sạt lở hết đường nhựa được gia cố 146m, kinh phí gần 15 tỷ đồng. Đối với những đoạn có nguy cơ sạt lở hoặc mới xuất hiện dấu hiệu sạt lở, chúng tôi phối hợp khảo sát, che chắn, cảnh báo, giới hạn tải trọng, theo dõi và thông báo diễn biến SL; vận động bà con tham gia gia cố. Tính đến nay, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện 48 đoạn (phường Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Quý, Bình Khánh, Bình Đức. xã Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng…) với tổng chiều dài 6.492m, kinh phí 52,808 tỷ đồng (bao gồm ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ, chưa kể kinh phí do phường xã vận động)” - ông Lý thông tin.
Dự báo tình hình SL trên địa bàn thành phố sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng vẫn đang nắm tình hình, tìm giải pháp phòng tránh, hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Rất mong người dân nâng cao ý thức cảnh giác, hạn chế sinh hoạt và neo đậu ghe tàu trong khu vực cảnh báo; sớm di dời khỏi vùng cảnh báo sạt lở.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG