Khẩn trương triển khai chuỗi giá trị lúa gạo Japonica

24/01/2019 - 08:12

 - Bằng nỗ lực hợp tác giữa UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn SunRice (Úc), trước mắt, tỉnh sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu lúa Japonica tại 5 huyện (Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn và Châu Phú). Đây là cơ sở xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo Japonica bền vững từ nghiên cứu sản xuất giống, sản xuất lúa gạo hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, chế biến, tiêu thụ và tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm lúa gạo…

Tích cực triển khai hợp tác

Ngày 12-9-2018, UBND tỉnh An Giang và Công ty TNHH Ricegowers Singapore PTE (gọi tắt là Công ty SunRice, thành viên Tập đoàn SunRice) đã ký thỏa thuận hợp tác về xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo Japonica bền vững. Hai bên sẽ hợp tác từ khâu liên kết sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, thực hiện quy trình sản xuất lúa gạo hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế (GAP, SRP, hữu cơ…) cho đến tiêu thụ lúa cho nông dân, tồn trữ, chế biến sản phẩm lúa gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhằm cụ thể hóa các nội dung hợp tác, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, phân công rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương. Theo đó, ngay trong quý I-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Công ty SunRice, các sở, ngành, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh và các địa phương liên quan thành lập Tổ điều phối chương trình hợp tác giữa An Giang và Công ty SunRice; thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu lúa Japonica 10.000ha trên địa bàn tỉnh trong quý II-2019. Năm nay, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp rà soát và giới thiệu cho Công ty SunRice vị trí tiềm năng để xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo.

Khẩn trương triển khai chuỗi giá trị lúa gạo Japonica

An Giang có kinh nghiệm xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao

Bắt đầu từ vụ hè thu 2019, UBND các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn và Châu Phú sẽ chủ trì, phối hợp Công ty SunRice, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành liên quan có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa Japonica và tổ chức triển khai ở từng địa phương. Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ Công ty SunRice các thủ tục đăng ký dự án đầu tư... Tháng 12 hàng năm, các bên liên quan sẽ tổ chức sơ kết các nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty SunRice.

Liên kết thông qua hợp tác xã

Cùng với lập quy hoạch sản xuất lúa Japonica và triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cho Công ty SunRice thông qua sự thống nhất giữa các bên, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lồng ghép những chương trình, dự án để hỗ trợ các hoạt động khuyến nông phục vụ vùng nguyên liệu lúa Japonica của Công ty SunRice. Trong khi đó, Hội Nông dân tỉnh có nhiệm vụ vận động nông dân, các tổ chức nông dân như: tổ hợp tác, HTX nông nghiệp tích cực tham gia phát triển vùng nguyên liệu lúa Japonica trên hợp đồng hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Đối với Liên minh HTX tỉnh, sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới có sự tham gia của Công ty SunRice hoặc đối tác của công ty theo yêu cầu để định hướng phát triển vùng nguyên liệu cho công ty. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về quản trị điều hành, lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tư vấn giám sát nội dung hợp đồng, quản lý hợp đồng sau khi ký kết cho các HTX trong vùng nguyên liệu của Công ty SunRice.

Đối với UBND các huyện tham gia vùng nguyên liệu (Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn và Châu Phú), bên cạnh phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa Japonica tại từng địa phương, còn phải chủ động triển khai, tổ chức các hoạt động kết nối giữa Công ty SunRice và các tổ chức nông dân trên địa bàn để tiến tới ký hợp đồng tại từng xã. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, UBND các xã liên quan đẩy mạnh vận động nông dân, tổ hợp tác, HTX tham gia và tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho Công ty SunRice xây dựng vùng nguyên liệu trên từng địa bàn xã đã được quy hoạch. UBND các huyện có nhiệm vụ cử cán bộ đầu mối tham gia tổ điều phối, phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác phát triển vùng nguyên liệu lúa Japonica trên địa bàn mỗi huyện…

Đối với lúa Japonica, tổng diện tích gieo trồng hiện nay tại An Giang đạt hơn 15.000ha (chiếm 2,37% cơ cấu giống), năng suất đạt từ 7 - 8 tấn/ha, tập trung phần lớn ở Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn… Tùy theo nhu cầu liên kết của các doanh nghiệp, việc mở rộng diện tích canh tác lúa Japonica rất dễ dàng.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN