Trình bày sự việc đến Báo An Giang, bà Đỗ Thị Thanh Hà cho biết, năm 1999, gia đình bà sang nhượng diện tích đất ngang 15m, dài 21m của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Vân (ngụ cùng ấp) được Trưởng ban Nhân dân ấp Phú Hòa chứng thực. Đất tọa lạc ở triền núi Bà Vải, làm chỗ yên nghỉ cho người đã khuất. Sau đó, một vài hộ dân mua đất lân cận, phần lớn chưa được cấp GCNQSDĐ, do khu vực này là đất rừng phòng hộ và đặc dụng.
“Mua được đất, gia đình tôi quy tập mộ, người trong tộc họ qua đời an táng ở đây, tổng số 30 ngôi mộ. Tuy nhiên, ngày 23-1-2022, chúng tôi lên tảo mộ, thấy tất cả bị bao bọc bởi hàng rào kiên cố. Hỏi sự việc, ông Quân, ông Sĩ nói đất này gia đình họ đã mua. Từ nay về sau, ai muốn vào thăm mộ phải xin phép; tốt nhất nên di dời mộ khỏi khuôn viên này, hiện nay, họ đang chuẩn bị xây cất ở đây. Ngoài số mộ tộc họ tôi chôn cất, gần đó, nhiều ngôi mộ khác bị bao bọc, ngăn việc đi lại của người thân. Tôi cùng một số hộ dân đề nghị phía ông Quân, ông Sĩ trả lại số đất đã mua. Tuy nhiên, họ không hợp tác” - bà Thanh Hà bổ sung.
Hàng rào xây dựng trên số đất bị khiếu nại
Hộ ông Huỳnh Văn T. (ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết, từ lâu gia đình ông mua 361m2 đất ở triền núi Bà Vải, làm nơi chôn cất cho người qua đời. Mới đây, ông phát hiện số mồ mả của tộc họ bị phía ông Quân, ông Sĩ xây hàng rào kiên cố bao bọc, muốn vào thăm viếng, tảo mộ phải thông qua họ. Tương tự bà Hà, ông T. đề nghị trả lại nguyên trạng đất, không ai được di dời, xâm hại số mồ mả chôn cất đã lâu.
Tìm hiểu thêm về việc này, ông Thái Văn Nhân (Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh) cho biết, lúc chưa thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, nhiều hộ có đất trên núi (nằm trong khu quy hoạch rừng) được Chi cục Kiểm lâm hợp đồng khoán trồng rừng để phủ xanh, có cấp “giấy xanh”, phần lớn chưa được cấp GCNQSDĐ. Sau đó, một số hộ sang nhượng lại cho người khác, trong đó có ông Quân, ông Sĩ. Vừa rồi, qua phản ánh của bà Hà và người dân, ban quản lý cùng một số ban, ngành huyện Tịnh Biên đến thực địa, phát hiện hộ ông Quân (do ông Sĩ đại diện) xây hàng rào kiên cố, số mồ mả nằm trong đó. Ông Sĩ nói đất này đã có GCNQSDĐ, còn việc xây hàng rào được nhà nước cấp phép xây dựng.
Trả lời về việc này, đại diện lãnh đạo UBND xã An Phú cho biết, qua khiếu nại của bà Đỗ Thị Thanh Hà và qua xác minh bước đầu cho thấy, phần đất ông Quân, ông Sĩ (ngụ TP. Châu Đốc) xây hàng rào đã được cấp GCNQSDĐ do bà Thái Tố Loan đứng tên. Trong đó, GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, gồm: CS 05131; CS 05132 ngày 30-7-2020; CS 04509 ngày 24-5-2019; CS 05321 ngày 20-10-2020 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp; Giấy phép xây dựng có thời hạn 576/GPXD (sử dụng cho công trình không theo tuyến) ngày 9-12-2020 của UBND huyện Tịnh Biên cấp cho bà Thái Tố Loan. Liên quan đến việc này, ông Chau Rắc Sa Nây (Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tịnh Biên) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc chấn chỉnh, lập lại trật tự xây dựng và đô thị trên địa bàn, ngày 17-3-2022, đơn vị cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng; Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã An Phú kiểm tra việc xây dựng công trình hàng rào của bà Thái Tố Loan. Qua đó, phát hiện 1 hàng rào không có giấy phép xây dựng, đề nghị bà Loan (ông Sĩ đại diện) phải tháo dỡ trong 30 ngày.
Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, bà Đỗ Thị Thanh Hà có giấy sang nhượng đất năm 1999 (chưa có GCNQSDĐ), quy tập nhiều ngôi mộ, là vật thế cố định, được pháp luật bảo vệ quyền sử dụng tài sản. Phía ông Quân, ông Sĩ dù có mua đất, xây hàng rào kiên cố mà không thông báo cho người có đất quy tập nhiều ngôi mộ là hành vi không đúng quy định. Phía bà Hà cùng hộ dân có cùng hiện trạng được quyền khiếu nại đòi lại quyền lợi bị xâm hại. Nếu 2 bên hay nhiều bên hòa giải không thành, có thể khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên để xem xét giải quyết theo quy định.
Bài, ảnh: N.R