Khó khăn duy trì và phát triển cây ăn quả đặc sản

22/11/2021 - 07:33

Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” cây ăn quả với diện tích hơn 83.000 ha, sản lượng gần 1,6 triệu tấn quả/năm. Nhiều loại cây đặc sản, có thương hiệu trên thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới như: xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè); sầu riêng Cai Lậy (huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy); vú sữa Lò Rèn (huyện Châu Thành); thanh long Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước); mãng cầu Xiêm (huyện Tân Phú Đông)...

Tuy nhiên, thời gian qua, biến đổi khí hậu, nước biển lấn sâu vào nội đồng, khô hạn xảy ra hằng năm, sâu rầy xuất hiện ngày một nhiều, hiệu quả kinh tế thấp hơn các loại cây trồng khác..., khiến cho một số loại cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang dần mất đi.

Diện tích giảm nhanh

Vú sữa Lò Rèn xuất hiện trên vùng đất Tiền Giang vào những năm đầu của thế kỷ 20. Do thổ nhưỡng thích hợp, cây phát triển tốt và cho quả ngọt, thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Năm 2011, diện tích vú sữa Lò Rèn lên đến 3.100 ha, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Năm 2008, vú sữa Lò Rèn được chứng nhận GlobalGAP và là loại cây ăn quả được chứng nhận đầu tiên trên cả nước.

Tuy vậy, việc xuất khẩu loại quả đặc sản này gặp thất bại không lâu sau đó. Nguyên nhân do nhà xuất khẩu tuyển chọn loại vú sữa đạt chất lượng, chiếm khoảng 20-30% số lượng, trong khi hàng “dạt” phải bán trôi nổi ngoài thị trường với giá “rẻ bèo”. Nếu so sánh, lợi nhuận thu được từ việc bán vú sữa xuất khẩu thấp hơn so với bán trong nước. Từ đó, nông dân không còn mặn mà với cây vú sữa nữa.

Năm 2017, lô vú sữa đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang xuất khẩu đi Mỹ và là cơ hội để vực dậy loại cây đặc sản này. Một dự án khôi phục cây vú sữa Lò Rèn được tỉnh Tiền Giang xây dựng và triển khai với kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Song, người dân không đồng thuận và dự án đã thất bại. Đến nay, diện tích chỉ còn gần 300 ha.

Vú sữa Lò Rèn là loại cây đặc sản của Tiền Giang nhưng diện tích trồng ngày càng thu hẹp.

Ông Huỳnh Văn Thọ, ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang) trồng 0,4 ha vú sữa Lò Rèn. Khi cây được bảy năm, trái sum suê, lúc này, vú sữa ào ạt xuất đi Mỹ. Vườn nhà ông Thọ được chọn thí điểm để tuyển chọn quả xuất khẩu. Gia đình ông cùng ngành chuyên môn bắt tay vào quy hoạch, cải tạo vườn và áp dụng các quy trình kỹ thuật đúng theo tiêu chuẩn để xuất khẩu. Tuy vậy, việc xuất khẩu đi Mỹ đã thất bại sau đó, trong khi giá bán tại thị trường trong nước ở mức quá thấp một thời gian dài. Không thấy được tiềm năng, ông Thọ đành phá bỏ toàn bộ diện tích vú sữa mà ông từng tâm huyết để chuyển sang trồng bưởi da xanh.

Cây mãng cầu Xiêm (huyện Tân Phú Đông) một thời được mệnh danh là cây xóa nghèo cho người dân vùng đất huyện đảo Tân Phú Đông. Lúc hưng thịnh, diện tích lên gần 1.000 ha (năm 2010). Ở đâu trên vùng đất này người dân cũng đều bàn đến việc chuyển đổi sang trồng mãng cầu Xiêm. Nhưng, đến nay, diện tích chỉ còn khoảng 100 ha.

Ông Lê Văn Phước ở xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông trồng gần 1 ha mãng cầu Xiêm. Cách đây gần bốn tháng, ông đã phá bỏ toàn bộ diện tích để chuyển sang loại cây trồng khác. Ông Phước tâm sự: “Cách đây 10 năm, thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp để trồng cây mãng cầu Xiêm. Vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng. Đê bao ngăn mặn khép kín, khô hạn ngày càng kéo dài và độ phèn trong đất tăng cao. Từ đó, cây không phát triển và chết dần...”.

Trao đổi vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, đối với cây vú sữa, bệnh khô cành, thối rễ gây hại rất khó xử lý; hệ thống thủy lợi, cống điều tiết nước chưa bảo đảm; giá bán thấp một thời gian dài, người dân thua lỗ; canh tác chưa đúng kỹ thuật; hạn hán, xâm nhập mặn ngày một sâu khiến cho diện tích giảm. Riêng cây mãng cầu Xiêm cho hiệu quả kinh tế thấp hơn các loại cây trồng khác, sâu bệnh gây hại ngày một nhiều khiến người trồng thiếu quan tâm chăm sóc dẫn đến diện tích giảm rất nhanh...

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam cho biết, nguyên nhân diện tích giảm là do trồng tập trung và thâm canh nên phát sinh nhiều loại sâu bệnh rất khó phòng trị, đặc biệt là bệnh thối rễ và chết cành. Do mầm bệnh có sẵn trong vườn, cành cây bị chết nhưng nhà vườn thiếu quan tâm, không cắt tỉa và mang ra khỏi vườn để tiêu hủy làm cho bào tử nấm có điều kiện sinh sôi. Gió, mưa giúp phát tán các bào tử nấm gây bệnh đi khắp vùng. Liếp trồng mãng cầu Xiêm không đạt chuẩn, hệ thống thoát nước không tốt, thường xuyên bị ngập trong mùa mưa dẫn đến cây dễ bị bệnh thối rễ...

Khó khăn trong việc khôi phục vườn cây

Ông Huỳnh Văn Hiệp ở xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành (Tiền Giang) trồng 0,4 ha vú sữa Lò Rèn cho rằng: “Khâu quan trọng nhất là phải lên liếp cao, mương liếp thoát nước tốt, phải bón nhiều phân hữu cơ và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Nhà nước cần đầu tư kinh phí để nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy cho các vùng trồng cây vú sữa. Nhà nước mời gọi doanh nghiệp tiếp tục thu mua vú sữa của nông dân với giá cao hơn thị trường. Tiếp tục hỗ trợ về túi bao trái và các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học cho người trồng vú sữa xuất khẩu; doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân phải tổ chức thu mua hết sản phẩm”.

Nhiều giải pháp được ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang thực hiện đối với các loại cây trồng đặc sản của tỉnh, trong đó có cây vú sữa và mãng cầu Xiêm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Mặc dù dự án khôi phục cây vú sữa đã bị thất bại do nông dân không còn mặn mà, song ngành nông nghiệp tỉnh vẫn quan tâm tập huấn, tuyên truyền quy trình quản lý sâu bệnh, kỹ thuật bao trái, đặc biệt là thực hiện các mô hình “Quản lý bệnh khô cành, thối rễ trên cây vú sữa”. Đầu tư hệ thống đê bao ngăn mặn, trữ ngọt và nạo vét kênh mương nội đồng. Vận động doanh nghiệp liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Riêng cây mãng cầu Xiêm, muốn khôi phục lại vùng trồng, đầu ra và lợi nhuận của người nông dân có yếu tố quyết định. Khi hiệu quả kinh tế được bảo đảm, người dân sẽ yên tâm đầu tư”.

Thời gian qua, Viện Cây ăn quả miền nam đã hỗ trợ về khoa học-kỹ thuật đến tận người nông dân. Tuy nhiên, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại cho rằng, để duy trì và phát triển các giống cây đặc sản, vấn đề lợi nhuận của người trồng có yếu tố quyết định. Trước mắt, ngành chức năng cần đánh giá một cách đầy đủ các khía cạnh tồn tại, hạn chế của quá trình sản xuất. Khảo sát, đánh giá và phân loại diện tích nhiễm bệnh nặng, nhiễm trung bình, nhiễm nhẹ… Từ đó, có giải pháp thích hợp theo từng điều kiện cụ thể. Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trình diễn, biện pháp tổng hợp giúp cây phục hồi...

Về lâu dài, chúng ta cần tạo ra các giống cây mới, có sức chống chịu với sâu bệnh tốt hơn, đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, áp dụng triệt để biện pháp kỹ thuật, hỗ trợ nông dân trong việc cải tạo vườn và đầu tư trồng mới...

Theo NGUYỄN SỰ (Báo Nhân Dân)