
Lược cá giống nuôi thương phẩm
Thâu đêm
Màn đêm buông dài ở vùng nông thôn, nhà nhà đang say giấc cũng là lúc những ngư dân ở xã Hòa Lạc (huyện Phú Tân) chong đèn căng mắt chăm dưỡng, nâng niu đàn cá giống. Khó cưỡng lại cái buồn ngủ trong đêm, ngư dân vội ngả lưng chợp mắt được vài phút, rồi giật mình bật dậy ra chăm đàn cá. Chiếc mô-tơ điện chạy đẩy nước lào xào tạo dòng ô-xy cho đàn cá bơi lội, làm cho ngư dân quên đi sự cô quạnh giữa đêm. Từ sau Tết đến nay, chưa đêm nào vợ chồng chị Thu ngủ đủ giấc, vì căng mắt chăm đàn cá giống. “Lúc mới mua đàn cá bột về, chúng nhỏ như con lăng quăng. Đêm nào, tôi với chồng cũng thức xuyên đêm. Nhiều khi đuối quá nằm ngả lưng vài mươi phút, sau đó bật dậy xem đàn cá còn lội không? Lúc thì sờ tay vào nguồn nước, nếu lạnh quá phải bơm thay nước ngay để đàn cá khỏe hơn” - chị Thu trần tình.
Đêm dài dằng dặc, nhưng đối với ngư dân chăm cá giống một đêm là rất ngắn ngủi. Bởi họ làm xuyên suốt nhiều công đoạn chăm sóc, dưỡng cá, loay hoay trời mờ sáng. Khi gà cất tiếng gáy, họ nhanh chân chạy đến những ao trứng nước thu mua mang về cho cá giống ăn. Chuyện mua trứng nước (có tên gọi Moina, là loài giáp xác nhỏ, giá trị dinh dưỡng cao) vào lúc mờ sáng ở thôn quê rất tất bật. Trên bờ ao, nhiều ngư dân đợi chủ hầm xúc trứng nước lên cân bán chỉ trong vòng vài mươi phút rồi chia tay. Không chút chần chừ, ngư dân chạy nhanh về nhà để thả trứng nước lúc còn sống vào bồn cá giống. Trứng nước li ti như hạt cát lội quanh bồn, đàn cá giống được ăn no nê, bổ sung dinh dưỡng trong buổi sớm mai.
Ngày nào đàn cá ăn mạnh, bơi khỏe thì nông dân rất phấn khởi. Ngư dân ví von, nghề nuôi cá giống y như chăm đứa con lúc mới sinh. Trong quá trình ương nuôi cá giống, ngư dân gặp không ít gian nan, rủi ro. Hiện nay, nguồn cá thát lát cườm giống bố mẹ đang bị thoái hóa dần, nên việc ương nuôi loài cá này đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm thì mới thành công. Anh Toàn chuyên ương nuôi cá giống thát lát cườm bày tỏ, khi mới bắt về, đàn cá rất yếu. Trong quá trình nuôi dưỡng, ngư dân phải kỹ lưỡng từng chút một. Đặc biệt, khi thấy đàn cá lội yếu phải thay nước ngay và dùng các biện pháp kỹ thuật can thiệp thì mới không bị hao hụt. “Nhiều khi đang cho ăn, đàn cá tự dưng ngừng bơi lật bụng, nếu không xử lý nhanh thì xem như mất trắng. Triệu chứng cá bị nấm mang, đỏ kỳ, lật bụng, ngư dân gặp thường xuyên” - anh Toàn tâm sự.
Đam mê
Mặt trời vừa leo qua khỏi ngọn cây, ai cũng thấm mệt, kèm nhèm vì thức trắng đêm. Hớp vội ly cà-phê đậm, họ bắt đầu ương nuôi cá trong ngày mới. Chúng tôi bắt gặp nhiều ngư dân hỏi nhau chuyện ương con cá thát lát cườm rôm rả. Họ quan tâm nhau để học hỏi “bí kíp” chăm cá giống sao cho hiệu quả. Đối với ngư dân, giai đoạn chăm sóc cá giống nếu đạt hiệu quả thì đó là thành công bước đầu trong quá trình nuôi cá thương phẩm. Thời gian ương nuôi con cá giống đến khi lớn bằng ngón tay út phải mất khoảng 2,5 tháng. “Cá lớn bằng ngón tay, giai đoạn này trở đi chăm rất khỏe. Cá từ bồn được thả vô vèo giăng dưới ao. Cách 1 tháng, ngư dân chọn ra cá lớn có bề hoành 3cm để thả ra ao nuôi thương phẩm” - chị Thu bật mí kỹ thuật chăm cá.
Nhớ về thời quá khứ, ở xóm hầm xã Hòa Lạc là địa phương tiên phong với nghề nuôi cá thát lát cườm. Ban đầu chỉ vài hộ ương nuôi. Thấy loài cá này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều người làm theo, vươn lên khá giả. Ngày nay, ngư dân ở đây rất đam mê ương nuôi cá thát cườm. Ông Thiện là ngư dân đam mê ương nuôi loài cá này và rất giỏi kỹ thuật chăm sóc, được nhiều người biết tới. Ngày trước, ông Thiện chuyên nuôi cá tra. Hiện, ông đang nuôi dưỡng đàn cá giống hàng trăm ngàn con. “Nếu xuất bán đợt cá giống này, tôi kiếm lời hơn 100 triệu đồng, chỉ sau 3 tháng chăm sóc” - ông Thiện hồ hởi nói.
Anh Phương, có kinh nghiệm hơn 10 năm ương nuôi loài cá giống này cho biết, khi thời tiết thay đổi, đàn cá giống thường xuất hiện bệnh. Do đó, phải thức đêm canh thường xuyên, ngư dân không dám rời khỏi chúng. “Mỗi đợt thả cá giống tốn chi phí từ 15 - 20 triệu đồng, nên mình phải chăm cẩn thận. Một năm chỉ vài tháng chăm sóc cá giống, nếu đàn cá đạt thì xem như trúng vụ cả năm” - anh Phương chia sẻ.
Sáng tinh mơ, rảo quanh xóm hầm, chúng tôi thấy nhiều bà con đang miệt mài chăm sóc cá giống trong niềm phấn khởi. Nghề ương nuôi cá giống tuy cực mà vui, vì mang lại cuộc sống khấm khá cho ngư dân.
Hiện nay, cá nàng hai (thát lát cườm) thương phẩm có giá dao động từ 64.000 - 65.000 đồng/kg. Với giá này, ngư dân có lãi mỗi ký 20.000 đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Đang vào đầu vụ, ngư dân tăng cường ương nuôi cá giống để tái đàn. Ở huyện Phú Tân có khoảng 65 hộ nuôi, tập trung tại các xã Hòa Lạc, Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Thành, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông với hàng ngàn vèo, sản lượng cá thương phẩm trên 1.000 tấn/năm. |
LƯU MỸ