Theo Sở Khoa học và Công nghệ, Chương trình giống lúa hướng đến mục tiêu nghiên cứu, chọn tạo bộ giống đặc thù của tỉnh An Giang để hoàn thiện các quy trình sản xuất giống đến cấp xác nhận phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời, tạo mạng lưới sản xuất giống từ nguyên chủng đến giống xác nhận gắn với doanh nghiệp sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ cho Đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể, chương trình hướng đến phát triển thương mại hóa sản phẩm gạo dựa trên các giống lúa chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện canh tác của địa phương, như: Jasmine 85, Lộc Trời 28, AG1, Đài Thơm 8, OM 5451, Nàng hoa 9, OM18… Đồng thời, cũng chọn tạo, tuyển chọn, mua quyền sở hữu các giống có triển vọng cao để bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh. Trên cơ sở đó, hình thành mạng lưới sản xuất giống xác nhận các giống lúa trong bộ giống lúa của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
.jpg)
Tích cực triển khai Chương trình giống lúa phục vụ Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các viện, trường xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang tại huyện Châu Phú; tuyển chọn 2 giống lúa đặc thù mà tỉnh An Giang được độc quyền khai thác, sản xuất - kinh doanh. Qua khảo nghiệm trên đất phù sa, đất phèn tại huyện Châu Phú, 2 giống lúa HATRI 10 và HATRI 722 đã được tuyển chọn nhờ năng suất cao, khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Bên cạnh, còn hỗ trợ công nhận lưu hành giống lúa được chọn tạo ở tỉnh An Giang do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Bước đầu, giống lúa AG1 đã được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành; 2 giống AG1 và HNOEI đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng khảo nghiệm một số giống lúa có chất lượng cao do Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh thực hiện, nhằm tìm kiếm và tuyển chọn giống lúa có năng suất cao, chất lượng ổn định, hương thơm đặc trưng, khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, phù hợp với hệ sinh thái của tỉnh ứng dụng vào thực tiễn.
Đặc biệt, việc thực hiện xã hội hóa giống lúa và hỗ trợ người trồng lúa tại An Giang cũng đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo nguồn cung giống lúa chất lượng cao. Toàn tỉnh có 94 tổ nhân giống với 5.859 nông dân tham gia sản xuất trên diện tích 11.396ha, tập trung vào các giống chủ lực: OM5451, OM18, Đài Thơm 8... Các khu vực có diện tích sản xuất lúa giống lớn bao gồm các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú và TX. Tịnh Biên, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu giống cho sản xuất trong tỉnh. Ngoài ra, nguồn giống này còn được cung ứng rộng rãi cho vùng ĐBSCL và các khu vực khác trên cả nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Chương trình giống lúa cũng đối mặt với những khó khăn, như: Quy trình nghiên cứu, chọn tạo và hoàn thiện giống lúa mới đòi hỏi thời gian dài, trong khi nhu cầu thị trường thay đổi nhanh chóng; bài toán kinh tế trong sản xuất lúa giống vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với nông dân và hợp tác xã; hệ thống liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất giống và doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo chưa chặt chẽ…

Nhiều giống lúa được ngành chuyên môn nghiên cứu, chọn tạo nhằm bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh An Giang
Để Chương trình giống lúa của tỉnh đạt được mục tiêu đề ra, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất cần tăng cường giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khuôn khổ Chương trình giống lúa, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, có hiệu quả thực tiễn cao. Đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong, ngoài nước nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển các giống lúa chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa.
Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất đối với các giống lúa mới được bổ sung, từ khâu khảo nghiệm đến cấp xác nhận, nhằm đảm bảo quy trình sản xuất đạt chuẩn, tối ưu hóa năng suất, chất lượng, khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của tỉnh. Tăng cường kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất giống…
Chương trình giống lúa phục vụ Đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã và đang tạo ra những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh và giá trị thương hiệu của gạo An Giang. Tuy nhiên, để chương trình đạt được mục tiêu đề ra, rất cần sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, sự ủng hộ của nông dân để cùng hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị hạt gạo An Giang, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
THANH TIẾN