
Khen thưởng các tập thể, cá nhân đóng góp xuất sắc cho hoạt động ngành khuyến nông An Giang
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên cho biết: “Hơn 30 năm qua, nông nghiệp An Giang không ngừng phát triển với sự góp phần đáng kể của công tác khuyến nông trong chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân. Đồng thời, ngành cũng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho bà con. Các thế hệ cán bộ khuyến nông đã sát cánh cùng bà con, chuyển tải kịp thời chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp của Đảng, Nhà nước và của tỉnh để nông dân nắm bắt kịp thời”.
Từ những ngày đầu thành lập với nhiệm vụ tiếp cận, giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi để thử nghiệm, đánh giá tính thích nghi, vừa để cải tạo đất đai và mở rộng sản xuất, ngành khuyến nông An Giang đã đạt được những kết quả nổi bật qua từng giai đoạn. Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành đã chuyển giao giống lúa chất lượng cao; mở rộng mô hình “cánh đồng lớn”, “1 phải, 5 giảm” , “3 giảm, 3 tăng”, góp phần đưa năng suất lúa từ từ 5,5 tấn/ha (năm 2000) lên 6,5 tấn/ha (năm 2024); tỷ lệ lúa chất lượng cao cũng tăng từ 40% lên 85% như hiện nay.
Lĩnh vực chăn nuôi, ngành đã phát triển mạnh chăn nuôi bò, heo, gà, dê... theo hướng an toàn sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ứng dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào nuôi cá tra, cá điêu hồng xuất khẩu, phát triển các mô hình thủy sản bản địa… trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Trong cơ giới hóa nông nghiệp, ngành đã đưa vào ứng dụng máy gặt đập liên hợp, công nghệ sấy lúa hiện đại, thiết bị bay không người lái giúp giảm chi phí, tăng năng suất và giải quyết bài toán lao động nông thôn. Đây là những thành tựu to lớn của hệ thống khuyến nông An Giang, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.
Hiện nay, ngành khuyến nông An Giang đang đảm nhiệm thêm nhiều vai trò, bao gồm sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Xây dựng các mô hình khuyến nông theo hướng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tăng cường ứng dụng công nghệ, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Những dự án nổi bật, khẳng định vai trò quan trọng của ngành khuyến nông được triển khai tại An Giang, như: Dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL và Nam Trung Bộ”; Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” (VnSAT); Dự án “Nhân rộng mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu Compost”.
“Trong suốt 30 năm qua, dù có không ít sự thay đổi, nhưng hệ thống khuyến nông An Giang vẫn được duy trì, phát huy hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Chúng tôi rất biết ơn lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát đến công tác khuyến nông, vừa là động lực giúp hệ thống khuyến nông nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa có thêm động lực phấn đấu để thích ứng với sự phát triển của xã hội” - bà Huỳnh Đào Nguyên bày tỏ.
Tại Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức đã biểu dương những đóng góp của cán bộ khuyến nông trong chặng đường đã qua. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của việc đổi mới tư duy nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số, sản xuất xanh, bền vững. Ngành khuyến nông cần tích cực tham gia tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, kết nối sản xuất với thị trường. Bên cạnh, cán bộ khuyến nông phải cập nhật kiến thức, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý, kinh doanh sản phẩm và tiếp cận thị trường.
“Trong xu thế thời đại, ngành khuyến nông An Giang cần tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) trong sản xuất và quản lý nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận công nghệ hiệu quả nhất. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong, ngoài nước để nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước cải thiện đời sống nông dân” - ông Ngô Công Thức nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng tin tưởng với tinh thần đổi mới và trách nhiệm, hệ thống khuyến nông An Giang sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, khẳng định vị thế là người bạn đồng hành đáng tin cậy của bà con nông dân, góp phần quan trọng trong mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp An Giang hiện đại, hiệu quả và bền vững, đúng với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
MINH QUÂN