Thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị

04/04/2025 - 07:02

Trong phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX), việc liên kết theo chuỗi giá trị là mô hình kinh tế đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia. Thời gian qua, An Giang đã thực hiện nhiều chính sách và có nhiều chỉ đạo thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, khuyến khích thu hút nông dân tham gia các loại hình kinh tế tập thể. Nhất là mô hình HTX nông nghiệp, từ đó hình thành các chuỗi liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Cùng với triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 229 HTX, trong đó có 179 HTX đang hoạt động với khoảng 10.900 thành viên; có 2 Liên hiệp HTX và 1.193 tổ hợp tác (THT) hoạt động trong nông nghiệp. Có 83 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp (DN).

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang Nguyễn Đức Duy: Lĩnh vực trồng trọt, năm 2024, tỉnh có 26 DN thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp với 25 HTX, 2 liên hiệp HTX và các hộ nông dân, với diện tích 73.997ha. Có 11 DN, 1 nông trại và 4 hộ thu mua thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu cùng nông dân, với diện tích hơn 1.321ha. Diện tích liên kết kết sản xuất cây ăn trái các loại (chuối, nhãn, sầu riêng, na, cây có múi) thông qua các DN, thương lái, chợ đầu mối hơn 5.280ha.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Liên kết lĩnh vực chăn nuôi, hiện có 8 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, TX. Tịnh Biên và TP. Châu Đốc tham gia nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, với tổng số lượng 425.100 con. Lĩnh vực thủy sản, có 43 DN thủy sản liên kết tiêu thụ cá tra với 99 hộ nông dân (cơ sở nuôi liên kết) và 9 chuỗi liên kết cá tra, tổng diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ cá tra hơn 1.072ha. Có 1 HTX nuôi ếch, 4 THT (1 ếch, 3 lươn), 1 chi hội nuôi cá lóc và nông dân liên kết tiêu thụ lâu dài với thương lái địa phương diện tích: Lươn 22,23ha, ếch 2,83ha, cá lóc 3,42ha.

Tỉnh đã hình thành được 3 chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp với thành phần, gồm: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (cấp 1), Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh sản xuất cá tra bột (cấp 2) và các chi hội ương giống cá tra (cấp 3). Hàng năm, sản xuất và cung cấp khoảng 4,5 - 5 tỷ cá tra bột và khoảng 800 - 1.000 triệu cá tra giống. Hiện, có 3 DN đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án cá tra 3 cấp với diện tích 302,3ha. Trong đó, Tập đoàn Việt Úc (104ha), Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú (150ha), Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3ha), với năng lực cung cấp khoảng 600 triệu con giống chất lượng cao.

Các HTX, người dân kết nối tiêu thụ sản phẩm rau màu và cây ăn trái với Công ty TNHH XNK nông sản Dinh Vạn Phúc, Công Ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty Nafood Group, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ liên kết xuất khẩu xoài keo với HTX Nông nghiệp Long Bình.

Điển hình nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ, bao tiêu bắp thu trái non, đậu nành rau với các hộ nông dân, THT, HTX tại các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên, với diện tích từ 300 - 600ha/năm. Tới đây, công ty còn phát triển diện tích liên kết bao tiêu vùng trồng hơn 10.000ha tại các huyện để trồng bắp non, đậu nành rau, xoài… ổn định vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn GlobalGAP và đang hướng đến thực phẩm Organic, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, năm 2025, tỉnh đẩy mạnh phát triển các tổ chức đại diện nông dân gắn với thực hiện liên kết sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển các HTX, THT là trọng tâm phát triển kinh tế tập thể và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình kinh tế hợp tác khác phát huy hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Đổi mới phương thức và hình thức hoạt động của các HTX, THT theo hướng hiện đại, hiệu quả, chuyển đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển mối quan hệ sản xuất hài hòa, đồng hành, hợp tác đôi bên cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro giữa HTX, THT và DN.

Đồng thời, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, chuyển đổi số, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm. Thành lập mới ít nhất 63 HTX nông nghiệp phục vụ phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Có ít nhất 30% số HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với DN hoặc có DN tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX. Nâng chất các THT đang hoạt động để liên kết với DN tiêu thụ nông lâm-thủy-sản, tạo nền tảng để liên kết phát triển thành chuỗi giá trị theo từng ngành hàng.

HẠNH CHÂU