Phấn đấu xây dựng những “miền quê đáng sống”

03/04/2025 - 06:00

 - Đảng bộ, chính quyền An Giang xác định, xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Toàn tỉnh có 76/110 xã đạt chuẩn NTM (34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao); có 3/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện Châu Thành và TX. Tân Châu đang thực hiện hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm tra công nhận huyện NTM...

Nông thôn khởi sắc

UBND tỉnh vừa tổ chức Hội đồng thẩm định xét, công nhận 14 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024. Qua thẩm định, đánh giá: Có 4/4 xã thực hiện đạt 19/19 tiêu chí và 57/57 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã NTM; 4/4 xã đạt 19/19 tiêu chí và 75/75 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao; 6/6 xã đảm bảo các yêu cầu theo quy định xã NTM kiểu mẫu. Các thành viên hội đồng đã thống nhất công nhận 4 xã: Tân Phú, Vĩnh Lợi (huyện Châu Thành), Tân Thạnh và Lê Chánh (TX. Tân Châu) đạt chuẩn “Xã NTM” năm 2024; 4 xã: Khánh Hòa, Bình Thủy (huyện Châu Phú), Khánh Bình (huyện An Phú) và An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới) đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao” năm 2024. Công nhận 6 xã NTM kiểu mẫu năm 2024, gồm: xã Mỹ Khánh - TP. Long Xuyên (lĩnh vực Du lịch) và xã Mỹ Hòa Hưng - TP. Long Xuyên (lĩnh vực Tổ chức sản xuất), xã Thoại Giang - huyện Thoại Sơn (lĩnh vực Chuyển đổi số), xã Bình Phước Xuân - huyện Chợ Mới (lĩnh vực Tổ chức sản xuất), xã Vĩnh Nhuận (lĩnh vực tổ chức sản xuất) và xã Vĩnh Thành - huyện Châu Thành (lĩnh vực Văn hóa).

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, để xây dựng NTM đạt theo lộ trình, các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể với nỗ lực và quyết tâm cao. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp về nguồn vốn và thủ tục đầu tư để thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực... Ngoài tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, còn làm tốt huy động các nguồn lực ngoài ngân sách xây dựng NTM.

Đặc biệt, huy động cả hệ thống chính trị, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân; linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng NTM. Qua đó, xây dựng NTM gắn khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, như: Phát triển các vùng chuyên canh, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, các sản phẩm đặc trưng của địa phương từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Đến nay, toàn tỉnh đã có 165 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 146 sản phẩm 3 sao) của 115 chủ thể kinh tế (10 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 26 doanh nghiệp, 77 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh).

“Hiệu quả từ chương trình xây dựng NTM đã làm bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đặc biệt, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn, người dân chúng tôi được hưởng lợi. Những đường lối, chủ trương của Đảng ban hành hợp quy luật, hợp lòng dân sẽ tạo thành sức mạnh đại đoàn kết, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đồng thuận cùng chính quyền quyết tâm xây dựng NTM” - ông Tạ Ngọc Cường (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) bày tỏ.

Quá trình xây dựng NTM xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu. TX. Tân Châu đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đến cuối năm 2025 cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III theo hướng mở rộng và trước năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo các tiêu chí đặc thù và phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2035. TP. Châu Đốc vươn lên trở thành một thành phố năng động, trung tâm du lịch - thương mại - dịch vụ của tỉnh và cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vừa được UNESCO ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; trở thành lễ hội truyền thống đầu tiên của đất phương Nam được đón nhận vinh dự này. Cùng với thực hiện khâu đột phá về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển du lịch, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2030, TP. Châu Đốc trở thành đô thị loại I, xứng tầm là thành phố trẻ đáng sống. Huyện Thoại Sơn - huyện đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2018, vượt lộ trình kế hoạch 1 năm. Sau khi đạt chuẩn huyện NTM, Thoại Sơn xây dựng huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh và Thủ tướng Chính phủ đã công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

Kết quả xây dựng NTM, nhiều công trình hạ tầng nông thôn tại các địa phương được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Kinh tế nông nghiệp được chú trọng; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân...

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, diện mạo NTM An Giang đã có những khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện theo hướng đồng bộ. Nông thôn An Giang ngày càng khang trang; lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thương mại nông thôn được tập trung đầu tư nâng cao chất lượng. Tỉnh quyết tâm rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người dân để xây dựng NTM thật sự trở thành những “miền quê đáng sống”.

HẠNH CHÂU