Khó khăn trong quy hoạch xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện

08/08/2024 - 06:48

 - Thực hiện Đề án quy hoạch xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2015 - 2025, Tỉnh đoàn hướng đến mục tiêu đến năm 2024, xây dựng và đưa vào sử dụng 7 nhà thiếu nhi ở các huyện, thị xã. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu của đề án vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân chủ yếu là thiếu kinh phí; cơ chế, chính sách; bộ máy hoạt động…

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hồ thị Hồng Phướng cho biết, theo Đề án quy hoạch xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện trên địa bàn tỉnh An Giang, đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có 1 nhà thiếu nhi. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện đầu tư từ năm 2016 - 2024 sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động đối với 7 nhà thiếu nhi tại các huyện: Thoại Sơn, An Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành và TX. Tân Châu. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2015 - 2023 chỉ hoàn thành việc xây dựng 3/7 nhà thiếu nhi cấp huyện. Đồng thời, cải tạo Nhà Văn hóa Tri Tôn thành Nhà Thiếu nhi Tri Tôn.

Theo đó, Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn đã hoạt động từ năm 2013, diện tích chung 15.280m2. Trong đó, diện tích khu làm việc 2.200m2, khu học tập là 2.200m2, khu vui chơi 11.480m2 và khu vực thể thao ngoài trời rộng 2.400m2. Các mô hình, phương thức hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục -  thể thao, vui chơi giải trí của các em thiếu nhi trong huyện Tri Tôn cơ bản được đáp ứng.

Đối với Nhà Thiếu nhi huyện Chợ Mới, được xây dựng theo Quyết định 3537/QĐ-UBND, ngày 28/11/2017 của UBND tỉnh An Giang, do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư. Nhà Thiếu nhi huyện Chợ Mới có tổng diện tích 16.247m2, bao gồm các hạng mục: San lắp mặt bằng, cổng hàng rào, nhà bảo vệ, đường dẫn, khối nhà chính, nhà xe ô tô, nhà để máy phát, nhà xe nhân viên, bể nước ngầm, hạ tầng kỹ thuật, thiết bị khối chính…Tổng kinh phí là 46,76 tỷ đồng.

Mục tiêu của Đề án quy hoạch xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện vẫn chưa đạt theo kế hoạch đề ra

Nhà Thiếu nhi TX. Tân Châu được xây dựng theo Quyết định 2693/QĐ-UBND, ngày 29/10/2018 của UBND tỉnh An Giang, do UBND thị xã làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích đất hơn 8.000m2, gồm các khối phòng học, hành chính quản trị 2 tầng, hội trường đa năng, nhà xe, hệ thống cấp nước, chiếu sáng… Tổng mức đầu tư hơn 21,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, Nhà Thiếu nhi huyện Thoại Sơn được xây dựng theo Quyết định 2667/QĐ-UBND, ngày 26/9/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt đầu tư xây dựng Nhà Thiếu nhi Thoại Sơn; Quyết định 1691/QĐ-UBND, ngày 10/7/2019 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà Thiếu nhi huyện Thoại Sơn, do UBND huyện Thoại Sơn làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích 8.287m2, gồm khối hành chính: Hội trường đa năng, các phòng học năng khiếu, khối hành chính quản lý; các công trình phụ: Nhà xe nhân viên, cổng, hàng rào, nhà bảo vệ, phát điện… Tổng mức đầu tư 37,20 tỷ đồng.

Đối với 3 nhà thiếu nhi ở huyện Chợ Mới, Thoại Sơn và TX. Tân Châu, tuy công trình đã hoàn thành nhưng do những quy định liên quan đến xây dựng bộ máy và tổ chức hoạt động, đến nay chỉ dừng lại ở việc sử dụng trụ sở làm việc, chưa khai thác hết công năng phục vụ của nhà thiếu nhi cấp huyện.

Nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện Đề án quy hoạch xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2015 - 2025, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Thị Hồng Phướng cho biết, đối với Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn được thành lập trên cơ sở Thông báo kết luận 240-TB/TU, ngày 29/10/2013 của Tỉnh ủy An Giang. Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn có mô hình hoạt động là đơn vị sự nghiệp công lập, quyết định thành lập do Huyện ủy Tri Tôn ban hành. Do có sự chồng chéo, không phù hợp với một số văn bản quy định hiện hành, từ khi thành lập đến nay Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn chưa được cấp kinh phí hoạt động.

Mặt khác, Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn đã đưa vào sử dụng trên 10 năm, cơ sở vật chất, hiện trạng trụ sở một số chỗ đang xuống cấp; một số tài sản, thiết bị chưa sử dụng hết công năng, không còn phù hợp nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn chưa được củng cố kiện toàn. Từ đó, việc tổ chức vận hành hoạt động, khai thác công năng của nhà thiếu nhi còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả...

Đối với nhà thiếu nhi chưa có quyết định thành lập, như: Nhà Thiếu nhi huyện Chợ Mới, Nhà Thiếu nhi huyện Thoại Sơn và Nhà Thiếu nhi TX. Tân Châu đang gặp khó khăn trong việc thành lập và xây dựng đề án tổ chức hoạt động do vướng các cơ chế về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, khả năng tự chủ tài chính ngay sau khi thành lập cũng rất khó cho các đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, các nhà thiếu nhi cấp huyện có trong đề án nhưng chưa triển khai thực hiện được là do chưa thống nhất được vị trí xây dựng và đề án cũng hết giai đoạn thực hiện. Bên cạnh, tổng chi phí xây dựng 1 nhà thiếu nhi tại thời điểm hiện tại cao hơn tổng chi phí được khái toán ban đầu…

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Thị Hồng Phướng cho biết, thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuyển 4 nhà thiếu nhi cấp huyện về các địa phương quản lý. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết thúc Đề án quy hoạch xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện, tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2025. Đồng thời, không tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các nhà thiếu nhi cấp huyện trên địa bàn tỉnh…

ĐỨC TOÀN