Khởi động du lịch Tết Nguyên đán

05/10/2020 - 06:32

 - Việc tái bùng phát các ổ dịch COVID-19 ở TP. Đà Nẵng cuối tháng 7 vừa qua đang gây tâm lý e ngại rất lớn đối với du khách. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, du lịch (DL) được khuyến khích theo hình thức “sống chung” với COVID-19, ngành công nghiệp không khói này vẫn có nhiều tiềm năng phát triển.

Kết nối du khách đến các điểm du lịch của An Giang

Doanh nghiệp sẵn sàng

Có thể nói, DL là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới. Thời điểm bùng phát dịch ngay Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cas đầu tiên ngày 23-1) khiến DL xuân, DL dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 gần như “đứng kim”. Khoảng 2 tháng sau khi đợt dịch bệnh thứ nhất được kiểm soát, ngành DL dần tái khởi động trở lại. Tuy nhiên, khi DL đang trở lại thời điểm “vàng”, ngay dấu mốc 99 ngày không xuất hiện cas nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng thì ngày 25-7, TP. Đà Nẵng - địa phương trọng điểm về DL đã xác nhận có trường hợp dương tính đầu tiên với COVID-19.

Sau đó, dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng, liên tiếp nhiều trường hợp, nhiều ổ dịch được phát hiện ở: TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội… Với việc hạn chế đi lại, khuyến cáo không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết, ngành DL tiếp tục “đứng kim” lần nữa. Sau 2 đợt dịch, nhiều đơn vị đã thật sự “thấm đòn”, không ít doanh nghiệp DL, lữ hành tuyên bố phá sản; nhiều nhà hàng, khách sạn rao bán với giá rẻ…

Khó khăn là vậy nhưng với những người làm DL chuyên nghiệp nhiều năm, kỳ vọng phục hồi vẫn còn khi dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tốt, nhu cầu đi DL trong nước khá lớn. “Người dân sau nhiều tháng “bó chân” ở nhà, ai cũng muốn được đi đây đó cho khuây khỏa, thoải mái, giảm bớt áp lực, stress trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, do đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần 2 ngay đợt cao điểm DL nên tâm lý người dân còn “e dè”. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới, khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, không phát sinh cas bệnh trong cộng đồng, Chính phủ sẽ khuyến khích phát triển DL nội địa kèm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy ngành DL trong nước phát triển trở lại” - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Xanh An Giang Nguyễn Thị Mỹ Linh (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) phân tích.

Trong bối cảnh lượng khách giảm mạnh, chị Linh tạm cho nhân viên làm việc tại nhà, hạn chế vô công ty nhưng vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với các điểm đến, đối tác để cập nhật nhu cầu du khách, giá cả, chương trình khuyến mãi, kích cầu… nhằm sẵn sàng phục vụ du khách. “Công ty đã lên kế hoạch các tour, tuyến dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. Mọi thứ còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và chỉ đạo của Chính phủ” - chị Linh chia sẻ.

Ngoài phục vụ các điểm DL ngoài tỉnh, Công ty Du lịch Việt Xanh An Giang còn liên kết, phục vụ các tour DL trong tỉnh với các điểm đến như: làng bè nổi Châu Đốc, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, rừng tràm Trà Sư, núi Cấm, đồi Tức Dụp… nhằm đáp ứng nhu cầu DL ngắn ngày, trải nghiệm.

Đưa đặc sản vào các khu, điểm du lịch

Kết nối du lịch

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (XTTM&ĐT) An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ sắp xếp đi khảo sát kết hợp vận động một số thị trường có lượng khách DL lớn như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông để kết nối, đưa khách DL về An Giang. “Ngoài các thành phố lớn thì ở những tỉnh như: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… lượng khách có nhu cầu DL miền Tây rất lớn, đặc biệt là những điểm đến nổi tiếng của An Giang. Chúng tôi sẽ khảo sát, liên kết với Trung tâm XTTM&ĐT các tỉnh, các đơn vị DL, lữ hành để đưa khách về An Giang và ngược lại, giới thiệu khách đến các địa phương này” - ông Hiếu thông tin.

Để kích cầu DL trong tỉnh, Trung tâm XTTM&ĐT An Giang sẽ phối hợp tổ chức lễ hội thức ăn đường phố, khuyến khích người dân địa phương cùng tham gia. “Trải nghiệm thức ăn đường phố, ẩm thực địa phương tại các điểm DL cũng là nhu cầu của du khách, là cách giữ chân du khách ở lại qua đêm. Khi phát triển thức ăn đường phố, sẽ khuyến khích những người có ít vốn, đam mê khởi nghiệp trong lịch vực DL, ẩm thực đầu tư kinh doanh. Đây cũng là cách giải quyết việc làm cho những lao động trung niên, trở về địa phương sau thời gian đi làm ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…” - ông Hiếu chia sẻ.

Xúc tiến du lịch đến ĐBSCL

Để quảng bá rộng rãi tiềm năng DL An Giang, Trung tâm XTTM&ĐT dự kiến tổ chức các đoàn đi khảo sát, giới thiệu DL. “Đoàn thứ nhất là các phóng viên báo chí, đơn vị lữ hành, được đưa đến tham quan các khu, điểm DL, trải nghiệm các tour, tuyến, dịch vụ để có những góp ý, nhận xét, đánh giá, những bài viết, hình ảnh chân thực về DL An Giang. Đoàn thứ 2 là quản trị các Fanpage chuyên về ẩm thực, DL, trải nghiệm, khám phá như: Lang thang An Giang, Dân An Giang, Bạn hữu đường, Check-in An Giang…

Qua đó, tạo điều kiện cho các Fanpage có thêm những hình ảnh đẹp, những bài viết, cảm nhận, chia sẻ sâu sắc về DL của tỉnh. Đoàn thứ 3 là các nhiếp ảnh gia, người đam mê chụp ảnh để sáng tác, chia sẻ những góc nhìn mới lạ, độc đáo, hấp dẫn về DL An Giang. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp một số trường học tổ chức đoàn học sinh trải nghiệm những cảnh đẹp như: mùa quýt hồng núi Cấm, vườn trái cây Bảy Núi, các hồ chứa nước rộng dưới chân núi… để chụp ảnh kỷ yếu, khuyến khích DL trong đối tượng học sinh” - ông Hiếu dự kiến.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đang đẩy mạnh quảng bá DL tại các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, quán ăn… Theo đó, ngoài cung cấp các cẩm nang DL An Giang, giới thiệu hình ảnh các khu, điểm DL, những nơi này bố trí gian hàng trưng bày, kinh doanh đặc sản An Giang, các sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đồng thời, đề xuất đưa các sản phẩm đặc trưng An Giang vào gói quà, giỏ quà tặng để vừa giúp tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh, vừa nâng cao hình ảnh An Giang.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN