Khởi động nông nghiệp đầu năm mới

16/02/2024 - 07:18

 - Trước và trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL. Điều này thể hiện quyết tâm và khí thế của ngành nông nghiệp trong năm mới.

Ngành lúa gạo còn nhiều tiềm năng phát triển

Sau lễ phát động Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha lúa) nhân Festival lúa gạo quốc tế tại tỉnh Hậu Giang vào cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tiếp tục chủ trì Hội nghị triển khai đề án này tại tỉnh Kiên Giang, ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (ngày 5/2, nhằm 26 tháng Chạp). Những sự kiện ở tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang đều có Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm tham dự, bởi An Giang là một trong những tỉnh trọng điểm tham gia đề án.

Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam và khu vực, với sản lượng lúa ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, hạn chế của vùng là canh tác lúa chưa bền vững, còn gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, thu nhập của người trồng lúa chưa tương xứng… Do vậy, Đề án 1 triệu ha lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để triển khai đề án một cách hiệu quả, đồng bộ, cần nhất quán về mục tiêu, đồng thuận trong hành động. Bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, đề án còn hướng tới chuyển đổi theo tư duy “kinh tế nông nghiệp”, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hóa mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, đề án hướng đến tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Thông qua hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, nâng chất hợp tác xã (HTX) để đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp (DN), đề án hướng tới khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất - kinh doanh lúa gạo, phát triển các vùng chuyên canh lớn, chất lượng cao, tăng trưởng xanh ở ĐBSCL, từng bước “chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý các tiêu chí “Hết lòng - tuân thủ - linh hoạt - hợp tác - kiểm soát” nhằm triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và DN phải cùng thúc đẩy để người nông dân “hết lòng” với đề án. Phải “tuân thủ”, vì nếu không tuân thủ kế hoạch, nguyên tắc, quy định, tiêu chuẩn thì dễ thất bại. Tuân thủ nguyên tắc nhưng phải “linh hoạt” trong cách ứng xử, vì thị trường luôn biến động, linh hoạt để phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Đối với “hợp tác”, là hợp tác giữa các cơ quan Trung ương với nhau, với địa phương và sự hợp tác của các DN. Nếu hợp tác tốt, phối hợp tốt, lồng ghép tốt các chương trình, sẽ tạo được sức mạnh để cùng thắng lợi. Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhắc tới “kiểm soát” - phải có sự kiểm soát để không bị lệch hướng, kịp thời điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế biến động từng ngày.

Ngay sau khi tổ chức triển khai Đề án 1 triệu ha lúa, mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (ngày 12/2), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã dẫn đầu đoàn công tác đến huyện Thoại Sơn thăm đồng đầu Xuân để nắm bắt tình hình dịch hại, sản xuất, liên kết tiêu thụ trong vụ đông xuân 2023 - 2024 và chúc Tết tại Liên hiệp HTX Thoại Sơn - một trong 2 liên hiệp HTX chủ lực của tỉnh tham gia vào đề án, với sự song hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cùng tham gia với đoàn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống 227.637ha lúa, đạt 99,82% kế hoạch. Hiện các trà lúa trên đồng đang phát triển tốt. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh tập trung vào các giống chất lượng cao, như: Đài Thơm 8 (chiếm 43,8% diện tích gieo sạ), OM18 (17,1%), OM5451 (10,1%), nếp (7,4%), riêng giống lúa IR50404 chiếm 11,7% diện tích gieo sạ; còn lại là các giống khác (chiếm 9,9%). Trong đó, có 20.000ha lúa đông xuân 2023 - 2024 đang thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, làm cơ sở để tiếp tục nhân rộng trong các vụ tiếp theo.

Đến thăm Liên hiệp HTX Thoại Sơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, Sở NN&PTNT, các HTX về cách thành lập Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp của Hàn Quốc và Trạm Nghiên cứu Nông nghiệp và Khuyến nông của TP. Đài Trung (Đài Loan) về mô hình sản xuất kết hợp theo hướng sản xuất xanh. Từ đó, mong muốn ngành nông nghiệp trong nước, trong đó có An Giang sớm thực hiện, áp dụng những cách làm phù hợp để hiện thực hóa ngành nông nghiệp hiện đại và gắn với phát triển xanh, tạo bứt phá mới cho ngành hàng lúa gạo vốn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Đề án 1 triệu ha lúa đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%; lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

NGÔ CHUẨN