Khởi nghiệp từ cây dưa lưới

05/07/2022 - 07:57

 - Với khát vọng làm giàu trên quê hương bằng mô hình sản xuất mới, từ đó đã thúc đẩy anh Châu Trung Tín (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) mạnh dạn đầu tư và thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao.

Qua lời giới thiệu của người quen và sau khi tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới, anh Châu Trung Tín đã mạnh dạn đầu tư khoảng 60 triệu đồng cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống... để trồng dưa lưới. Lúc đầu, anh Tín trồng thử trên diện tích khoảng 110m2, với 210 gốc dưa lưới.

Sau thời gian chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, vườn dưa lưới phát triển tốt và cho thu hoạch vụ đầu tiên. Trọng lượng trung bình mỗi trái dưa lưới đạt gần 2kg và nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng về chất lượng trái, như: Thịt chắc, giòn, ngọt, vỏ mỏng, thời gian bảo quản lâu…

Thành công bước đầu, anh Trung Tín quyết định mở rộng thêm 4 nhà màng. Đến nay, sau hơn 3 năm gắn bó với dưa lưới, anh Tín đã có 5 nhà màng với diện tích mỗi nhà màng khoảng 110m2, với nhiều kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định ở trong và ngoài địa phương.

Anh Tín chia sẻ: “Mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng mô hình trồng dưa lưới cho thu nhập ổn định, giá trị kinh tế cao, giá bán dao động từ 45.000 - 60.000 đồng/kg, tùy mùa vụ và loại giống. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác 3-4 vụ/năm nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Vụ Tết vừa rồi, từ 5 nhà màng với diện tích khoảng 560m2 trồng giống dưa lưới vàng, tôi thu hoạch khoảng 1,1 tấn dưa phục vụ thị trường Tết. Dưa bán với giá 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lời khoảng 40-45% trên tổng thu nhập từ dưa lưới”.

Anh Tín tỉ mỉ chăm sóc dưa lưới

Anh Tín cho biết, trồng dưa lưới trong nhà màng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ. Quy trình chuẩn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi thu hoạch mới có thể thành công. Hạt giống dưa lưới được anh Tín mua ở cơ sở có uy tín, sau đó gieo trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại. Bình quân mỗi gốc dưa lưới, anh Tín chỉ để 1 trái và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái.

Theo anh Tín, hệ thống nhà màng có ưu điểm là có thể sản xuất liên tục mà không cần phụ thuộc điều kiện thời tiết, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, nên sản phẩm bảo đảm an toàn, giảm chi phí. Tùy quá trình sinh trưởng, phát triển của từng loại giống dưa lưới, từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 2,5 - 3 tháng. Sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân tiến hành vệ sinh, thay giá thể để chuẩn bị vụ tiếp theo.

Bên cạnh đó, anh Tín còn sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel điều khiển bằng điện thoại thông minh tưới nước cho cây dưa lưới, giảm thời gian và chi phí. Hệ thống tưới cung cấp chính xác lượng nước cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới, giúp cho cây dưa lưới phát triển đồng đều.

“Sắp tới, tôi tiếp tục đầu tư, thiết kế bộ cảm biến để kiểm soát độ ẩm không khí, nhiệt độ, độ ẩm đất và cường độ ánh sáng, cảnh báo các chỉ số về yếu tố tự nhiên qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, để cài đặt chế độ tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng theo nhu cầu sinh học của cây. Đây là điều kiện rất cần thiết để cây phát triển tốt, kháng sâu bệnh và cho năng suất chất lượng tối ưu” - anh Tín chia sẻ.

Đặc biệt, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, ngoài bán lẻ dưa lưới ở địa phương, anh Châu Trung Tín còn sử dụng thêm kênh phân phối, liên kết tiêu thụ sản phẩm với một số bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh và thông qua mạng xã hội, như: Facebook, zalo… để giới thiệu và bán sản phẩm.

“Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tự động ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, thu nhập cao. Bên cạnh đó, tôi còn trồng dưa lưới theo dạng gối vụ để có sản phẩm dưa lưới thu hoạch thường xuyên, không tập trung thu hoạch rộ cùng một thời điểm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và tránh việc “dội chợ”.

Đồng thời, tôi chú trọng vào chất lượng từng trái dưa lưới bán ra cho khách hàng để tạo dựng thương hiệu. Chính điều này, giúp dưa lưới của tôi bán được giá cao và ổn định. Tôi sẽ hướng đến xây dựng thương hiệu để sản phẩm dưa lưới của mình vươn xa hơn trong thời gian tới”- anh Tín cho biết thêm.

Mô hình trồng dưa lưới của anh Châu Trung Tín tuy chưa lớn về quy mô nhưng đã thành công trong việc phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, thể hiện tư duy sản xuất mới, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào cây trồng và có sự liên kết trong sản xuất, đón đầu xu hướng phát triển của thị trường giúp ổn định đầu ra và tăng giá trị sản phẩm. Điều đó cho thấy, khi người nông dân có quyết tâm và tư duy đổi mới sản xuất sẽ gặt hái được thành công và thu được những “quả ngọt” trong nền nông nghiệp hiện đại.

TRỌNG TÍN