Khởi nghiệp từ cây trồng thế mạnh

17/10/2023 - 23:26

 - Phường Thới Sơn (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có nhiều cây trồng đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, như: Hồng quân, củ huyền và các loại dược liệu quý… Tận dụng lợi thế này, đoàn viên, thanh niên địa phương có đà để khởi nghiệp, vừa tạo uy tín cho đặc sản bản địa, vừa nghiên cứu tạo thêm các sản phẩm mới.

Không chỉ riêng ở địa phương này, củ huyền từ lâu đã có tiếng là đặc sản của vùng Bảy Núi, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua. Mỗi năm, cây củ huyền chỉ trồng được 1 vụ, bắt đầu từ tháng 3 khi mưa xuống đến tháng 11 mới thu hoạch. Lúc đó, kéo dài đến Tết, để càng lâu, củ huyền càng chất lượng.

Bạn Phạm Thị Hậu (ngụ khóm Sơn Tây) đang cùng gia đình đang canh tác 2.300m2 cây củ huyền. Mô hình của Hậu vừa được Tỉnh đoàn hỗ trợ 30 triệu đồng để “tiếp sức” phát triển. Hậu cho biết, trước đây, cây huyền được trồng gần như “thuận thiên”, bỏ mặc vẫn “ăn chắc” 100%. Về sau, có lẽ do đất đai thoái hóa, tốn phân bón rất nhiều nhưng vẫn giảm năng suất trầm trọng. Nhất là giai đoạn gần thu hoạch, củ huyền bị hư hoặc “biến mất” khỏi bộ rễ không rõ nguyên nhân.

Củ huyền là đặc sản vùng Bảy Núi

Khó khăn thất mùa chưa qua thì củ huyền bị rớt giá khiến nhiều hộ bỏ vườn, chuyển dần sang cây trồng khác. Bột huyền trên thị trường khan hiếm nên đã xảy ra tình trạng người bán pha tạp, làm ảnh hưởng chất lượng lẫn uy tín của người dân vùng núi. Liên tiếp 2 - 3 năm, khách hàng mua củ huyền theo đó giảm dần, số hộ còn bám nghề càng thêm nản.

"Thấy vậy, tôi không khỏi chạnh lòng, quyết tâm cùng gia đình trồng lại, làm bột huyền đưa ra thị trường để phục hồi uy tín cho củ huyền Bảy Núi. Khách chuộng mua nhiều nhất là những người xa quê, khách du lịch. Tuy hiện nay sức mua đã khá hơn, song nhiều người còn tâm lý dè chừng” - Hậu chia sẻ.

Trung bình trên diện tích 1 công sẽ thu hoạch được khoảng 2 tấn củ huyền. Củ đem gọt vỏ, rửa sạch, xay bằng máy, đãi nước lắng lấy phần tinh bột dưới cùng mới cho ra thành phẩm. Nếu mùa màng thuận lợi, củ huyền kết bột đúng yêu cầu thì cần 8kg củ tươi làm ra 1kg tinh bột. Từ sự nỗ lực của những hộ còn tâm huyết như gia đình bạn Hậu, năm nay bột huyền đã có giá trở lại.

Một ký bột huyền trên thị trường hơn 100.000 đồng, cao hơn các vụ vừa qua (chỉ dao động 70.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 3.000 đồng/kg). Bột củ huyền được sử dụng phổ biến làm thức uống, nấu chè, làm bánh. Trừ công đoạn xay củ phải sử dụng máy, còn lại đều làm thủ công. Gia đình Hậu vẫn chuộng phơi bột dưới nắng tự nhiên thay vì đầu tư máy sấy, vì giúp bột có màu trắng đẹp, bảo quản được lâu.

Hồng quân - trái cây đặc sản ở Thới Sơn

Bí thư Phường đoàn Thới Sơn Lê Thị Hồng Vân cũng là một trong những người năng nổ nghiên cứu để cùng các bạn đoàn viên đưa trái cây đặc sản địa phương “lên đời”. Ảnh hưởng bởi câu chuyện chung của cây củ huyền, gia đình Vân chuyển một phần diện tích sang trồng cây hồng quân.

“Ở đây, cây hồng quân “trồng chơi, ăn thiệt”, do không tốn nhiều công chăm sóc và chi phí. Trên địa bàn phường có 4 vựa lớn bao tiêu hồng quân phân phối đi các tỉnh, giá thu mua đầu vụ 25.000 đồng/kg, hiện còn 15.000 đồng/kg. Nhiều năm trước, tôi đã ủ thành công rượu hồng quân. Ngoài ra, tôi vẫn mặn mòi với củ huyền, sử dụng bột để làm bánh ít, bánh in gõ, bánh đúc… kinh doanh. Sản phẩm chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, mỗi đơn gom số lượng khá” - Vân cho hay.

Vài năm nay, tại phường Thới Sơn có nhiều thanh niên phát triển nghề tương tự, các bạn hình thành được mô hình kinh tế rất khả quan cho riêng mình. Cây trồng chiếm ưu thế và được mệnh danh là đặc sản chỉ có hồng quân và củ huyền. Đa số thanh niên có sẵn kiến thức, kinh nghiệm từ gia đình, cộng với những định hướng tiếp cận thị trường khác nhau đã quyết tâm làm ra nhiều sản phẩm mới, như: Mứt, rượu, nước cốt, các loại bánh… Một số hộ phát triển trồng dược liệu truyền thống và giống dược liệu mới được đánh giá có triển vọng, tổ chức Đoàn đã gợi ý cho thanh niên lên ý tưởng, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay khi có nhu cầu…

Điển hình như ý tưởng trồng dược liệu nghệ đen của bạn Dương Thị Mộng Tuyền (ngụ khóm Thới Thuận) được chọn tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023”. Tận dụng đất dư xung quanh nhà, Tuyền trồng nghệ đen từ số ít củ được bạn tặng để thử nghiệm. Thấy cây hợp thổ nhưỡng, Tuyền tiếp tục nhân giống và tặng cho người quen sử dụng.

 “Tôi tìm hiểu trên mạng, nghệ đen có rất nhiều công dụng hữu ích, đặc biệt tốt cho dạ dày, đẹp da… So với nghệ trắng và nghệ vàng thì nghệ đen có nhiều dược tính hơn, ngoài sử dụng dạng cụ tươi, còn có thể chiết xuất tinh dầu, dạng bột… Hiện nay, thị trường có nhu cầu cần cây dược liệu khá lớn, phân bổ chủ yếu cho các hiệu thuốc bắc, thuốc nam trong địa bàn thị xã và các vùng lân cận” - Tuyền cho biết.

Tuyền đã lên kế hoạch cho cây nghệ đen trong tương lai, tận dụng trước mắt nguồn lao động trong gia đình, thời gian đầu chủ yếu thu hút nguồn vốn từ địa phương để đầu tư cây giống, phân bón… Mô hình này được Đoàn Thanh niên phường đánh giá khá hay, do ở địa phương có rất ít người trồng và biết củ nghệ đen. Về lâu dài, Tuyền mong muốn có điều kiện về vốn lớn hơn, có thể đầu tư máy móc phục vụ chế biến sau thu hoạch. Thời gian tới, nếu được “tiếp sức” hỗ trợ, kỳ vọng mô hình của Tuyền sẽ đưa thêm cây trồng mới có giá trị kinh tế “nở hoa” trên vùng đất núi.

MỸ HẠNH