Khôi phục sản xuất - kinh doanh

17/01/2022 - 05:22

 - Ngay sau khi bước vào trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp (DN) và người dân trên địa bàn tỉnh An Giang chủ động khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) một cách linh hoạt, an toàn và hiệu quả.

Sau thời gian áp dụng nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19, DN trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề: Sản xuất đình trệ, thậm chí phải đóng cửa để phòng, chống dịch; hoạt động cầm chừng do thiếu công nhân lao động, nguyên liệu sản xuất, đầu ra cho sản phẩm… Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Thời điểm này rất thuận lợi để trở về trạng thái “bình thường mới”. Chính vì thế, hoạt động SXKD dần được khôi phục, mang lại khởi sắc cho năm mới 2022.

Huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) có khoảng 406 cơ sở sản xuất, trong đó 86 DN quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động. Đến nay, toàn bộ DN khôi phục sản xuất, chủ động bố trí, luân chuyển công nhân và người lao động (NLĐ) đáp ứng nhu cầu SXKD, không quên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, đã giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương những tháng cuối năm 2021 và tạo đà cho năm 2022.

Các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: TRỌNG TÍN

Theo xu hướng chung, Công ty TNHH thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Mê Kông nhanh chóng khôi phục công suất sản xuất trên 95%, đảm bảo việc làm cho NLĐ và kế hoạch SXKD của công ty. Trong sản xuất, công ty thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân và NLĐ. Những yêu cầu về y tế, chăm sóc sức khỏe công nhân cũng được thực hiện đầy đủ.

Ông Lê Đình Bang (Giám đốc điều hành công ty) cho biết: “Quá trình sản xuất, từ phương án “3 tại chỗ” đến “bình thường mới”, công ty vẫn duy trì tất cả phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đầy đủ dụng cụ y tế, trang thiết bị bảo hộ, sát khuẩn; yêu cầu công nhân đi làm thực hiện nghiêm thông điệp “5K”. Định kỳ 2 tuần, chúng tôi tổ chức test nhanh cho 20% công nhân, phát hiện kịp thời ca nhiễm. Tính từ tháng 10 đến nay, công ty sản xuất an toàn, không gặp trở ngại gì”.

Sau khoảng thời gian dài nghỉ ở nhà chống dịch, chị Lê Thị Thu Hà (công nhân Công ty Cổ phần TBS An Giang, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Khi nhận được thông báo đi làm lại, tôi rất vui. Nghỉ ở nhà, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Hiện giờ, khó khăn lớn nhất là thu nhập có thể giải quyết rồi. Tôi đã được tiêm vaccine đầy đủ, thường xuyên khai báo y tế, thực hiện thông điệp “5K” trong quá trình đi làm, đặc biệt là đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và đồng nghiệp trong công ty. Phải khỏe, phải an toàn thì mới nghĩ tới việc đi làm, có thu nhập ổn định”.

Chợ hoa xuân Nhâm Dần 2022 đã khởi động và các cơ sở kinh doanh ăn, uống được phục vụ tại chỗ. Ảnh: THANH HÙNG

Tương tự, các chợ truyền thống, DN, cửa hàng, cơ sở kinh doanh, quán ăn… trên địa bàn tỉnh rộn ràng hoạt động trở lại. Dĩ nhiên, vẫn còn đó dấu ấn của việc phòng, chống dịch bệnh, như thiết lập hàng rào, căng dây, kẻ vạch sơn… để giữ khoảng cách trong mua bán, trao đổi hàng hóa.

Anh Nguyễn Văn Linh (chủ quán ăn ở TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: “Trước mắt, nhà nước tạo điều kiện mua bán để phục hồi kinh tế, chứ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn xung quanh, chắc chắn không thể sinh hoạt như trước khi có dịch được. Bởi vậy, suốt thời gian mua bán, tôi luôn đeo khẩu trang. Quán ăn trang bị nước rửa tay sát khuẩn, bố trí bàn cách nhau 2m”.

Chị Giang Thanh (kinh doanh tạp hóa ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi luôn bố trí bình xịt sát khuẩn, giăng dây khoảng cách 2m, dùng rổ để chuyển đồ, nhận tiền qua lại với khách. Tôi thường xuyên nhắc nhở người mua xịt sát khuẩn trước khi nhận đồ, nhận tiền để đảm bảo an toàn phòng dịch cho đôi bên”.

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, những tháng giáp Tết, nông dân trong tỉnh tất bật chuẩn bị nông sản phục vụ thị trường Tết. Năm nay, ngay sau khi tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nông dân trên địa bàn tỉnh khẩn trương cải tạo, chăm sóc vườn cây trái, rau, màu chuẩn bị cho vụ thu hoạch lớn nhất của năm. Xã Kiến An (huyện Chợ Mới) được xem là một trong những địa phương có diện tích trồng màu chuyên canh lớn của tỉnh. Dọc theo các tuyến đường nông thôn, có thể nhìn thấy đa dạng rau, màu của bà con nông dân phát triển xanh tốt, như tín hiệu vui của dịp cuối năm.

Đang chăm sóc cho 3 công rau, màu, ông Nguyễn Văn Tùng (52 tuổi) cho biết, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các địa phương áp dụng giãn cách xã hội nên việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp khó khăn, thương lái ngừng thu mua dẫn đến giá rau, màu xuống thấp. Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, giá rau, màu tăng trở lại, người trồng rất phấn khởi.

“Khi thị trường được khôi phục, giá các mặt hàng nông sản sẽ tăng cao hơn, nông dân có nguồn thu nhập bù lại cho khoảng thời gian do dịch bệnh gây ra. Hy vọng dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi, giá cả nông sản tiếp tục giữ ổn định, để chúng tôi đón Tết vui vẻ” - ông Tùng bày tỏ.

Khi cộng đồng cùng nâng cao trách nhiệm, chung tay, góp sức giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, để đời sống và các hoạt động SXKD diễn ra bình thường, an toàn thì sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

TRỌNG TÍN