Trong hai ngày 9-10/2, đoàn của Bộ GD-ĐT do các Thứ trưởng dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình chống dịch Covid-19 tại Hưng Yên, Đồng Nai, An Giang và Kiên Giang.
Có phương án khi phát hiện học sinh, giáo viên mắc Covid-19
Tại Hưng Yên, theo kế hoạch, các trường học ở đây sẽ đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại bắt đầu từ ngày 14/2/2022.
Theo phương án để đón học sinh đến trường học tập trực tiếp, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học trực tiếp một cách linh hoạt. Một số trường có thể kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến, điều này sẽ giúp cho những trường hợp học sinh đang phải cách ly phòng, chống Covid-19 có thể tham dự lớp học trực tuyến, đảm bảo thống nhất chương trình cho các học sinh.
Các nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tiến hành test Covid-19 cho giáo viên và học sinh, kịp thời phát hiện những trường hợp F0 nếu có, cố gắng đến mức cao nhất không để bùng phát thành ổ dịch khi đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra việc cho học sinh trở lại trường tại Hưng Yên (Ảnh: M. Thu).
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, để đảm bảo an toàn nhất khi đưa học sinh đi học trở lại mỗi trường phải có phương án, kịch bản riêng; phương án cần thể hiện được các tình huống nếu không may có học sinh, giáo viên mắc Covid-19. Trong các kịch bản, phương án cần phân rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân để khi cần có thể xử lý tình huống một cách nhanh nhất.
Đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh Hưng Yên ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho giáo dục đúng theo quy định của Luật Giáo dục.
Thí điểm dạy trực tiếp từng địa bàn
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai Võ Ngọc Thạch cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, UBND tỉnh đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp đảm bảo phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học".
Để chuẩn bị cho việc trở lại học trực tiếp, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tiêm vaccine cho giáo viên, học sinh song song với việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch trong nhà trường.
Tới thời điểm này tổng số học sinh trong độ tuổi 6-12 đã tiêm vaccine là 230.305, số học sinh đã tiêm 2 mũi là 211.602 em (tỉ lệ 91,88%). Số giáo viên, cán bộ quản lý đã tiêm 3 mũi là 33.630/46.218 người.
Trước Tết, ngành giáo dục đã thí điểm dạy học trực tiếp ở các thị trấn, xã có dịch ở cấp độ 1 từ ngày 15/11/2021 đến 28/1/2022. Qua đó, đã có 11/11 huyện, thành phố tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp.
Tính đến ngày 24/1/2022 đã có 325 trường học tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh và học viên một số khối lớp Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT", ông Thạch thông tin.
Từ ngày 14/2 tỉnh có kế hoạch tổ chức cho trẻ em mầm non, học sinh và học viên các cấp học đồng loạt đi học trực tiếp trở lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ngành giáo dục đào tạo đã xây dựng nhiều phương án để đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh vì lý do bất khả kháng không thể đến trường học trực tiếp (học sinh, học viên là F0, F1, thuộc diện cách ly theo quy định của ngành y tế hoặc lý do khác) như: Giao bài qua nhóm Zalo lớp, phát trực tuyến các tiết dạy trực tiếp cho học sinh học trực tuyến tại nhà, tập hợp số học sinh không thể tham gia học trực tiếp để tổ chức dạy học trực tuyến…
Tổ chức dạy học phụ đạo, ôn tập củng cố kiến thức cho những học sinh, học viên không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến từ đầu năm học đến thời điểm các cơ sở giáo dục được phép tổ chức dạy học trực tiếp.
Liên quan đến xử lý tình huống phát sinh dịch bệnh khi học sinh trở lại trường, Thứ trưởng đề nghị Sở GD-ĐT phải phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong xử lý như, đảm bảo ổn định dạy và học; Tiếp tục bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo chất lượng hiệu quả, củng cố kiến thức cho học sinh khi trở lại trường trước khi dạy chương trình mới, đảm bảo chất lượng và kế hoạch năm học 2021-2022.
Đồng Nai thí điểm dạy học trực tiếp từng địa bàn trước khi đưa toàn bộ học sinh trở lại trường (Ảnh: M. Thu).
Nắm bắt tâm lý học sinh khi trở lại trường học trực tiếp
Trong khi đó, kiểm tra tại An Giang và Kiên Giang, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt lưu ý các nhà trường phải quan tâm tới việc nắm bắt tâm lý học sinh khi các em đi học trực tiếp trở lại.
Cụ thể, toàn tỉnh An Giang sẽ cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại.
UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan đảm bảo an toàn khi đón học sinh trở lại trường.
Các giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục cũng được tập huấn cách lấy mẫu và tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 để chủ động tầm soát, sàng lọc các ca nhiễm một cách tốt nhất.
Đối với bậc học mầm non, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học trên cơ sở tự nguyện của các phụ huynh đưa con đến trường.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, toàn tỉnh An Giang phát hiện 135 cán bộ, giáo viên, 1.057 học sinh bị nhiễm Covid-19, tất cả đã được điều trị khỏi bệnh và không có trường hợp giáo viên, học sinh tử vong do Covid-19.
Tại Kiên Giang, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan của từng địa phương lên phương án, kịch bản để đón học sinh trở lại trường một cách an toàn.
Thứ trưởng nhấn mạnh, sự phối hợp của các ban, ngành và phụ huynh học sinh là điều kiện căn cốt để đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp. Đưa học sinh đi học trở lại phải trên tinh thần khoa học - thực tiễn - an toàn.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý các nhà trường phải quan tâm tới việc nắm bắt tâm lý học sinh khi các em đi học trực tiếp trở lại.
Theo Dân Trí