Các số liệu cập nhật của Bộ Y tế cho biết hơn 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, liên tục, vượt mốc 1.000 ca/ngày. Đáng chú ý, trong 3 ngày gần đây, số mắc tăng vọt lên hơn 1.400 ca đến gần 1.800 ca/ngày, tương đương số mắc tại thời điểm cách đây hơn 2 tháng.
Biến thể mới xuất hiện nhiều nơi
Cùng với số ca nhiễm mới, lượng bệnh nhân nặng nhập viện điều trị cũng có chiều hướng gia tăng.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị hồi sức cho hơn 70 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, khoảng 50% bệnh nhân phải can thiệp thở máy, số còn lại thở ôxy mask, HFNC (thở ôxy dòng cao). Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thông tin bệnh nhân nặng đã gần kín giường của khoa, do nơi đây phải chia đôi giường để phục vụ bệnh nhân thường, trong khi thời điểm trước chỉ tiếp nhận vài ba ca một tuần. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm.
Bộ Y tế đánh giá dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện biến thể phụ của chủng Omicron ở một số địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gien thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5. Tại khu vực phía Bắc, từ đầu năm 2022, qua giám sát hơn 360 mẫu chỉ phát hiện chủ yếu chủng Omicron nhưng từ tháng 6 trở lại đây, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP HCM, qua giám sát trọng điểm đã phát hiện 70% trường hợp mắc biến thể phụ BA.4, BA.5, bên cạnh đó ghi nhận một số ca nhiễm biến thể mới BA.2.12.1.
Nhiều chuyên gia dịch tễ lo ngại sự xuất hiện của BA.2.12.1 tại cộng đồng ở Việt Nam sẽ khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng BA.2.12.1 có khả năng gây lây nhiễm cao hơn 25% so với Omicron "tàng hình" BA.2. Trong khi đó, Omicron BA.2 đã có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng gốc Omicron đến 50%.
Ngành y tế nỗ lực không để dịch COVID-19 bùng phát hay “vỡ trận”, gây quá tải hệ thống y tế
Người dân chủ quan, lơ là
Lý giải về nguyên nhân số ca mắc COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây, một số bác sĩ cho rằng có thể là do đơn nguyên điều trị COVID-19 ở bệnh viện tuyến tỉnh đã đóng cửa, bệnh nhân nặng chuyển trực tiếp về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ngoài ra, việc từ chối tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại, bổ sung theo quy định đã khiến nồng độ kháng thể giảm dần, làm tăng nguy cơ mắc bệnh trở lại.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng thông thường, các trường hợp phải nhập viện do COVID-19 là bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền. Tuy nhiên, đã có người không quá cao tuổi, không có bệnh nền mà bệnh cũng tiến triển khá nặng. "Với COVID-19, miễn dịch tạo ra từ vắc-xin và mắc bệnh không bền vững, người mắc rồi có thể tái nhiễm sau đó khoảng 6 tháng. Trong lúc đó, có tình trạng một số bệnh nhân từng né tiêm vắc-xin, diễn biến nặng hơn người bình thường" - bác sĩ Cấp cảnh báo.
Từ thực tế tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), nói người đã mắc COVID-19 biến thể Delta có thể tái nhiễm với biến thể Omicron; hoặc đã mắc biến thể Omicron nhưng có thể tái nhiễm các biến thể phụ khác của chủng này. Do đó, việc tiêm vắc-xin mũi nhắc nhằm mục đích đủ lượng kháng thể khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng ngoài lý do xuất hiện các biến thể phụ mới thì việc mở cửa, nới lỏng các biện pháp chống dịch cũng như sự chủ quan, lơ là của người dân trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân là nguyên nhân khiến số ca mắc tăng. "Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là phải bảo vệ những người trong nhóm nguy cơ như người mắc bệnh nền, người già, người chưa tiêm vắc-xin, người suy giảm miễn dịch, tránh tình trạng những đối tượng này mắc COVID-19 sẽ dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện, ca bệnh chuyển nặng dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, phải tiêm ngay vắc-xin COVID-19 mũi nhắc lại, nhằm hạn chế số ca mắc không tăng lên, không được để dịch bùng phát hay "vỡ trận", gây quá tải hệ thống y tế" - PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Nhiều địa phương chậm trễ tiêm vắc-xin
Tại thông báo mới nhất về công tác tiêm chủng vắc-xin COVID-19, Chính phủ đã cảnh báo số ca mắc COVID-19 mới đang tăng trở lại song nhiều địa phương vẫn chậm trễ trong tiêm vắc-xin, thậm chí một số tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 4 dưới 25%. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định tiêm vắc-xin, đặc biệt là tiêm mũi 3-4 và tiêm cho trẻ em là biện pháp phòng chống hiệu quả BA.4 và BA.5 hay các biến thể mới.
Đến thời điểm này, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ kết thúc chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất trong lịch sử. Các chuyên gia y tế khẳng định việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh. Theo đó, những ai chưa tiêm đủ nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền.
|
Theo NGỌC DUNG (Người lao động)