Lazy girl job chỉ những công việc được trả lương cao, linh hoạt, cho phép người làm có nhiều thời gian rảnh rỗi, chứ không phải là “việc làm dành riêng cho các cô gái lười biếng.(Nguồn: India)
“Lazy girl job” là một thuật ngữ mới được lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây, có ý nghĩa những công việc được trả lương cao, linh hoạt, cho phép người làm có nhiều thời gian rảnh rỗi, chứ không phải là “việc làm dành riêng cho các cô gái lười biếng."
Những việc làm dạng này cho phép người trẻ đạt được mục tiêu cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Chúng được đánh giá là nỗ lực của người trẻ để bảo vệ quyền lợi của họ, khi đối mặt với sự “bóc lột” của công ty.
Xuất hiện trên TikTok vào giữa tháng Năm năm nay với hơn 18 triệu lượt tương tác, hashtag lazygirljob một lần nữa lại nổi lên sau khi trang tin The Wall Street Journal đưa tin về khái niệm này.
Việc lazygirljob được ưa chuộng trở lại cho thấy nhiều đang người mong muốn thiết lập ranh giới vững chắc hơn hơn giữa cuộc sống cá nhân và công việc.
Trong năm ngoái, một thuật ngữ khác cũng được ưa thích là “quiet quitting” (âm thầm nghỉ việc.
Sự phổ biến của quiet quitting góp phần cho thấy xu hướng ngày càng nhiều người trẻ chỉ muốn làm việc đúng giờ và hoàn thành đúng khối lượng công việc nhất định mà không tăng ca hay cố gắng đóng góp thêm cho công ty.
Gần đây đã có thêm nhiều thuật ngữ nữa đổ bộ khắp các trang mạng xã hội như: “bed rotting” - mô tả việc nằm dài trên giường từ ngày này sang ngày khác, “girl dinners” - chỉ việc dùng nhiều loại đồ ăn nhẹ, thay vì phải mất công nấu nướng trong ngày.
Những khái niệm mới kể trên đã khuyến khích những người thường xuyên hoạt động trực tuyến, nhất là phụ nữ, thoát khỏi tình trạng kiệt sức do cố gắng chạy theo nhiều sự kỳ vọng của xã hội đặt lên họ.
Điều cốt lõi trong xu hướng mới này là nhiều người lao động đã thấy chán ngấy với những phán xét cho rằng họ là nhân viên tồi chỉ vì họ muốn tận hưởng cuộc sống.
Gabrielle Judge, người đặt ra thuật ngữ “lazy girl job” trên TikTok, cho biết: “Việc tách những công việc nhàm chán ra khỏi cuộc sống của bạn là rất quan trọng bởi nếu không, sẽ như việc đặt tất cả trứng của mình vào một giỏ vậy, bạn không thể kiểm soát sự cân bằng. Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể giữ được sự cân bằng với công việc của mình, vẫn đảm nhận các nhiệm vụ được giao, nhưng công việc không thể là 100% con người của chúng ta, 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần được.”
Gabrielle Judge. (Nguồn: Theleap)
Sau khi cụm từ này lan truyền khắp mạng xã hội, Gabrielle Judge cho biết cuộc tranh luận nổ ra không nằm ngoài dự kiến của cô.
Judge đặt tên cho thuật ngữ này một cách châm biếm, nhằm chứng minh quan điểm rằng, so với văn hóa đề cao sự bận rộn thì những sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống thường bị coi là lười biếng.
Một người làm nghề tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ, tự nhận công việc của mình khớp với định nghĩa lazy girl job - làm việc từ xa, thời khóa biểu linh hoạt và được nghỉ phép có lương không hạn chế - nói rằng các quản lý tin tưởng cô sẽ hoàn thành việc được giao. Niềm tin đó đứng vững, kể cả khi cô đột nhiên đi khỏi chỗ làm vào giữa ngày chỉ để làm tóc.
“Mong chờ một công việc với thu nhập tốt, cho bạn sự cân bằng tốt giữa công việc-cuộc sống, không khiến bạn quá tải vì công việc, không phải là một đòi hỏi của người lười. Và không ai đang làm các công việc “lười biếng” thực sự lười cả. Những công ty thực sự quan tâm tới nhân viên của mình thường có tiêu chuẩn tuyển dụng rất cao. Vì vậy, không ai ở những công ty này thực sự chểnh mảng trong công việc. Nhưng đáng buồn thay, hiện nay ở Mỹ có rất ít những công ty có đãi ngộ tốt như vậy,” cô chia sẻ.
Đối với nhiều người lao động, đại dịch COVID-19 đã gây ra sự thay đổi lớn trong thứ tự ưu tiên của họ. Lần đầu tiên hàng loạt công việc đã được chuyển sang chế độ làm từ xa mà vẫn không bị ảnh hưởng về năng suất. Giờ đây, khi người lao động đã quen và cảm thấy thích thú với lối làm việc mới, họ sẽ từ chối quay lại cách làm cũ.
Danielle Roberts, người tự gọi bản thân là một huấn luyện viên “chống lại việc xây dựng công việc như một sự nghiệp lâu dài” trên TikTok, gọi sự gia tăng của các xu hướng phản đối làm việc (antiwork) là cuộc “cách mạng nhỏ,” của những người lao động cảm thấy nhu cầu của họ không được đáp ứng. Theo cô, chuyển sang sống chậm hơn chính là nỗ lực của nhân viên để giành lại quyền kiểm soát.
“Người ta đang dành ra nhiều giờ mỗi ngày để làm những công việc khiến họ kiệt quệ, không giúp làm tăng chất lượng cuộc sống,” Robert nói. “Và thay vì gọi những người đang cố tách ra khỏi hệ thống lao động như vậy là lười biếng, và khuyên bảo rằng họ nên làm việc chăm chỉ hơn, thì trước tiên chúng ta cần phải ngồi bàn với nhau rằng vì sao hiện tượng này lại trở thành xu hướng, sau đó mới đưa ra các biện pháp khác.”
Roberts cũng cho rằng việc có cuộc sống thú vị hơn sẽ giúp người lao động luôn tràn đầy năng lượng và việc được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ nâng cao hiệu suất làm việc của họ.
“Có thể thấy rằng văn hóa làm việc 40 giờ/tuần đã lỗi thời. Chúng ta có thể giải quyết cùng một khối lượng công việc, nếu không muốn nói là nhiều hơn, trong một khoảng thời gian ngắn,” cô nói. “Vì vậy, việc đòi hỏi nhân viên ngồi tại chỗ làm, không chỉ trong 40 giờ mà còn hơn 40 giờ mỗi tuần, thực sự giống như một kiểu kiểm soát. Khi thuê người lao động, bạn cần tin tưởng nhân viên của mình sẽ làm tốt công việc được giao.”
Roberts tự nhận bản thân từng là một người cầu toàn và thích chiều lòng tất cả. Kết cục là cô đã mất nhiều năm trong đời cố gắng chứng minh rằng mình là người làm việc chăm chỉ. Nhưng rồi cô đã phải tự hỏi bản thân rằng mình thực sự muốn gì trong cuộc sống. Cô nhận ra văn hóa đề cao sự hối hả đã không làm cho cô thấy hạnh phúc.
“Chắc chắn sẽ xuất hiện cảm giác tội lỗi (khi theo đuổi tư duy phản đối làm việc), bởi chúng ta đã được dạy rằng cần phải chạy đua để có những thứ mang nhiều giá trị bề ngoài như vị trí công việc, tiền lương, nhà cửa, xe hơi,” Roberts chia sẻ.
Roberts nói: “Có rất nhiều điều mà ta đã học cần phải được xóa bỏ, trước khi ta đặt bản thân vào vị trí có thể hiểu mình là ai, giá trị của mình là gì và mình mong muốn gì từ công việc”.
Theo Vietnamplus