Vừa qua, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tổ chức lễ hoàn công dự án Khu di tích Óc Eo (đầu tư bổ sung một số hạng mục), khánh thành di tích Gò Út Trạnh và công bố biểu tượng văn hóa “Óc Eo An Giang”. Theo đó, dự án thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016), gồm 3 hạng mục chính, trong phạm vi của di tích Gò Cây Thị, Gò Út Trạnh và di tích Linh Sơn Nam. Được sự hỗ trợ về mọi mặt của các ban ngành, tổ chức chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, dự án Khu di tích Óc Eo được hoàn thành tất cả hạng mục, đưa vào phục vụ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là hạng mục di tích Gò Út Trạnh.
Khánh thành di tích Gò Út Trạnh. Ảnh: P.L
Di tích Gò Út Trạnh được xác định niên đại bắt đầu từ thế kỷ thứ 7, có diện tích khai quật và xây dựng mái che 1.122m2 nằm trên sườn dốc hướng đông núi Ba Thê, thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Di tích được tổ chức khai quật 3 lần, vào năm 2011, 2019 (do Trung ương thực hiện) và năm 2021 (do Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo thực hiện).
Kết quả khai quật cho thấy, tổng thể di tích gồm 3 kiến trúc thuộc 3 ngôi đền thờ nằm trên trục đường bắc - nam. Các ngôi đền này tôn thờ 3 vị thần tối cao trong Hindu giáo: Thần Vishnu (vị thần của sự bảo tồn), thần Shiva (vị thần của sự hủy diệt và tái sinh) và thần Brahma (vị thần sáng tạo).
Di tích được xây dựng bằng vật liệu hỗn hợp gạch - đá. Đây là một trong những di tích kiến trúc còn nguyên vẹn nhất của quần thể di tích Óc Eo - Ba Thê, và là khu đền thờ hiếm hoi tôn thờ cả 3 vị thần tối cao cùng một không gian nhất định.
Ông Trịnh Văn Trạnh (người dân thị trấn Óc Eo) chia sẻ: “Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động giao đất để khai quật, xây dựng và phát huy giá trị di tích Gò Út Trạnh, tôi rất đồng tình ủng hộ. Di tích không chỉ được xây dựng mái che vững chắc để bảo tồn, mà đường lên di tích cũng được nâng cấp, cải tạo thành đường bê-tông thay cho đường đất trước đây. Người dân chúng tôi rất vui mừng vì sinh sống cạnh khu di tích mang nhiều giá trị lịch sử. Chúng tôi sẽ cùng Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, chính quyền địa phương ra sức gìn giữ, bảo tồn di tích Gò Út Trạnh, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh nói chung và huyện Thoại Sơn nói riêng”.
Chùa Linh Sơn Tự, một trong những Di tích văn hóa Óc Eo. Ảnh: THANH HÙNG
Có thể nói, các hoạt động quan trọng, tiêu biểu của Óc Eo đã lần lượt hoàn thành, từng bước tạo uy tín đối với các cơ quan chuyên môn Trung ương và tỉnh bạn. Đơn cử, đó là các hoạt động: Triển lãm gốm Óc Eo Nam bộ; triển lãm quốc tế về văn hóa Óc Eo tại Hàn Quốc; phát hành bộ tem văn hóa Óc Eo; lập bản đồ văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang bằng kỹ thuật số; hoàn thành tốt tiểu dự án giải phóng mặt bằng trong đề án của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và hoàn thành xuất sắc việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới (giai đoạn 1) đối với Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê.
Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giềng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ giai đoạn 1. Sau đó, chuẩn bị tiếp đón phái đoàn của Trung tâm Di sản thế giới sang Việt Nam (khoảng tháng 7 đến tháng 10/2022), để đánh giá các tiêu chí và góp ý cho việc chuẩn bị xây dựng hồ sơ giai đoạn 2 - giai đoạn quyết định cho việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới đối với Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê. Với sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn Trung ương; của sở, ban ngành tỉnh và huyện Thoại Sơn, tin rằng tỉnh sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới đối với Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê”.
Óc Eo là nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, gắn liền với lịch sử Vương quốc Phù Nam. Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo, dưới chân núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn). |
PHƯƠNG LAN