Khúc giao mùa tháng Chạp

29/01/2024 - 03:36

 - Tháng Chạp! Tôi rất thích cách gọi trìu mến người ta dành cho tháng cuối cùng của năm âm lịch. Tháng mà mỗi khi nhắc đến lại dâng trào bao niềm cảm xúc khó tả, vừa khắc khoải đợi chờ, vừa bùi ngùi luyến tiếc...

Tháng Chạp về mang theo bao nghĩa tình

Tháng Chạp

Mà cũng lạ, đâu phải chỉ có mỗi khúc giao mùa tháng Chạp trong một năm. Nào là, khúc giao mùa từ xuân sang hạ, từ hạ đến thu và từ thu đến đông. Vậy mà, mỗi khi tháng Chạp về lại gieo vào lòng người nhiều nỗi niềm da diết biết bao. Đối với người Việt, tháng Chạp là tháng quan trọng trong năm, khi mọi người hướng đến cái Tết đoàn viên bên gia đình. Ai nấy đều hối hả, dốc sức hoàn tất các kế hoạch trong năm để khi năm mới đến, nhìn lại năm cũ thấy mình đã làm được những gì.

Qua tìm hiểu, có khá nhiều cách để lý giải cho sự xuất hiện của từ “tháng Chạp”. Theo các nhà nghiên cứu, chữ “chạp” là một biến âm của từ “lạp” trong tiếng Hán. Lễ tế thần vào dịp cuối năm âm lịch của người Trung Quốc xưa được gọi là Lạp, thế nên tháng này còn được gọi là Lạp nguyệt (nguyệt nghĩa là tháng). Khi nhắc tới chữ “lạp” tức là nói tới việc đi “lạp mả”, sửa dọn phần mộ tổ tiên để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Một số bậc cao niên cho rằng, văn hóa Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng qua lại với Trung Quốc, tháng 12 âm lịch là tháng nhiều lễ lạt cúng bái, nên dần dần có từ “giỗ chạp”. Người Việt Nam coi trọng việc thăm nom, chăm sóc mồ mả cha ông trong tháng cuối năm, để năm hết Tết đến, khi thắp hương mời tổ tiên về nhà ăn Tết thì phần mộ đều được tươm tất, thể hiện sự nhớ ơn và tình cảm ấm áp của gia đình, họ tộc.

Tháng Chạp cũng là tháng có nhiều lễ nhất. Ngoài việc thắp hương vào mùng 1, ngày rằm như các tháng khác, kế đến là lễ cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), lễ rước ông bà, tổ tiên (28 hoặc 30 Tết) và lễ cúng giao thừa vào khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ, đầu tiên của năm mới. Có lẽ vì thế mà ngày tháng Chạp qua mau như đuổi bắt thời gian.

Khúc giao mùa vui tươi

Người ta hay nói với nhau rằng, tháng Chạp là tháng làm ăn được nhất trong năm. Người lao động ai cũng dồn sức, phấn đấu thật nhiều cho công việc để mong một cái Tết trọn vẹn, người mua bán thì tất bật cả ngày lẫn đêm, tranh thủ kiếm chút đồng ra đồng vô, người nông dân thì dụng tâm chăm sóc vườn cây, ngọn rau ra hoa kết trái đúng hẹn. Bao vất vả, bộn bề hiện rõ trên khuôn mặt, vậy mà ai cũng thấp thỏm, chờ đợi… tháng Chạp về.

“Như mọi năm, rằm tháng Chạp và tầm 28, 29 Tết, tôi sẽ thu hoạch ruộng bắp của gia đình để giao “mối” sỉ. Ngày thường bỏ mối với giá 2.000 - 3.000 đồng/trái, tháng Chạp đến Tết, bắp nhỉnh giá hơn chút (5.000 đồng/trái). Mỗi mùa Tết, tôi bán hơn 2.000 trái bắp, cũng có chút tiền lo Tết cho gia đình” - cô Võ Thị Phỉ (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.

Loay hoay dọn dẹp nhà cửa, quét mạng nhện trên trần nhà, ông Tư Bảnh (72 tuổi, ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vừa lặt lá mấy cây mai vàng trước nhà. Theo ông Tư Bảnh, nông dân như ông bước vô tháng Chạp tất bật từ sáng đến chiều vẫn chưa hết việc. Sáng sớm đã phải tranh thủ thăm đồng, xế trưa về trông coi, dọn dẹp quanh nhà, tỉa bớt mấy cây kiểng.

Ông hãnh diện nhất là cặp mai vàng 32 năm tuổi trồng trước nhà. Bởi nó được ông trồng, uốn, tạo dáng thành chiếc cổng hình cung cao lớn. Tháng Chạp chưa về, ông đã nôn nao đợi ngày lặt lá mai. Mai lặt lá được tưới phun cẩn thận, cứ đúng hẹn là lại khoe sắc vàng trước nhà. Ai qua lại cũng trầm trồ khen ngợi.

Tháng Chạp cũng đâu chỉ là tháng chỉ lo toan nghĩ ngợi cho riêng mình. Mà đó còn là tháng của những khúc ca sẻ chia, tháng của những ân tình trĩu nặng… Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đến rất gần. Những ngày này, Đảng, Nhà nước, MTTQ, lãnh đạo các địa phương, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đang dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo Tết cho người lao động, người nghèo và các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Người có điều kiện thì “nhường cơm sẻ áo”, góp chút công sức dệt nên mùa Xuân của đất trời và của lòng người. Điển hình như ở Trường Đại học An Giang, đã phát động đóng góp sản phẩm cho chương trình "Gian hàng 2k", gồm: Trang thiết bị, dụng cụ học tập, tài liệu, sách, giáo trình, quần áo chưa qua sử dụng hoặc đồ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn dùng được, đồ gia dụng, đồ điện tử trong sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi tiếp nhận đóng góp, tình nguyện viên sẽ phân loại, vệ sinh, sắp xếp, trang trí lại và trưng bày tại “Gian hàng 2k”. Sinh viên, viên chức và người lao động có thể đến mua bất kỳ món đồ nào phù hợp với giá từ 2.000 - 5.000 đồng (mỗi người được mua tối đa 3 món/lần hoạt động). Số tiền này sẽ được công khai sau khi kết thúc từng đợt của chương trình và gây quỹ hỗ trợ hoạt động của đội tình nguyện viên và trang trải các chi phí khác.

Thế đó, tháng Chạp về cuốn theo bao lo toan, nghĩ ngợi mà sao ai cũng trông đợi một cách lạ kỳ. Để rồi một sớm tinh mơ, xé tờ lịch cho ngày mới, ta lại bồi hồi tiếc nuối sao tháng Chạp qua nhanh...

PHƯƠNG LAN