Khuyến nông hướng về cộng đồng

28/10/2022 - 07:21

 - “Trong thời đại chuyển đổi số trong nông nghiệp, mô hình khuyến nông trên thế giới thay đổi, Việt Nam cũng phải thay đổi. Tổ khuyến nông cộng đồng là mô hình mới, chưa có hình mẫu, công tác triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là mô hình có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, đem đến lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp (DN)” - PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định.

Sự chủ động của An Giang

Quyết tâm cho ra đời mô hình tổ khuyến nông cộng đồng được thể hiện tại Quyết định 1094/QĐ-BNN-KN, ngày 25/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.

Giai đoạn 1 của đề án (2021-2023), triển khai thí điểm tại 13 tỉnh, gồm: Sơn La, Hòa Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Giai đoạn 2 (2024-2025), tiếp tục nhân rộng tại 15 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung có điều kiện tương tự.

Ngày 4/10/2022, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã có Quyết định 259/QĐ-KN-TCHC về công nhận 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tham gia đề án. Trong đó, đối với vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên, có 4 tổ khuyến nông cộng đồng được chọn tham gia ở các xã: An Bình (huyện Thoại Sơn), Tân Tuyến (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang); xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành), Mỹ Phước (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).

Là một trong những địa phương được chọn tham gia đề án giai đoạn đầu, An Giang đã sớm chủ động triển khai thực hiện. Ngày 3/10/2022, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Kiến Thọ đã ký Quyết định 930/QĐ-SNNPTNT về thành lập thí điểm 10 tổ khuyến nông cộng đồng thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình khuyến nông cộng đồng”.

Ngày 5/10/2022, ông Thọ tiếp tục ký Quyết định 950/QĐ-SNNPTNT về ban hành quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng. Trong số 10 tổ thành lập thí điểm, Tổ khuyến nông cộng đồng xã An Bình và Tân Tuyến (tham gia thí điểm cấp quốc gia), được Trung tâm Khuyến nông An Giang cử cán bộ chuyên môn của trung tâm trực tiếp tham gia làm Tổ trưởng.

Ngày 26/10, tại buổi tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại An Giang”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức, việc thí điểm thành lập 10 tổ khuyến nông cộng đồng cũng như xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ, sát thực tế của An Giang được đánh giá cao.

Hướng đến bền vững

Tại buổi tọa đàm tại An Giang, nhiều ý kiến thống nhất mô hình tổ khuyến nông cộng đồng thuộc hệ thống khuyến nông nhằm tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ, góp phần hình thành và phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp điển hình thuộc nhiều lĩnh vực, như: Lúa gạo, cây ăn trái, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Qua đó, tổ chức lại sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở các vùng nguyên liệu, có khả năng tham gia liên kết chuỗi giá trị. Tổ khuyến nông cộng đồng thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, thực hiện sơ chế, đóng gói, bao tiêu hoặc liên kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên các HTX và nông dân, đồng thời thông tin định hướng thị trường sản phẩm nông sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, khuyến nông cộng đồng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giúp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua thành lập thí điểm 10 tổ khuyến nông cộng đồng và ban hành quy chế hoạt động, An Giang mong muốn huy động sự tham gia của cán bộ chuyên môn, các chuyên gia, DN, HTX và nông dân để cùng xây dựng chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị nông nghiệp, đem lại lợi ích cho DN, nông dân.

Trong số 10 tổ khuyến nông cộng đồng tham gia thí điểm tại An Giang, huyện Thoại Sơn là địa phương tham gia lớn nhất với 6 tổ, có 24 cán bộ chuyên trách ở các ngành thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, thú y… tham gia hỗ trợ. Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn Phan Huy Hùng đề nghị, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật chuyên sâu hơn cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Bên cạnh đó, gắn kết với các tổ chức đoàn thể và HTX tại địa phương để hỗ trợ cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

PGS.TS Lê Quốc Thanh, cho biết, tổng số cán bộ khuyến nông các cấp trong toàn quốc hiện có 36.812 người; khoảng 3.000 câu lạc bộ khuyến nông với số lượng hàng trăm ngàn nông dân ở các vùng, miền trong cả nước. Đây là lực lượng quan trọng tham gia mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

"Trên cơ bản, mô hình không làm tăng biên chế, tổ khuyến nông cộng đồng cũng không phải là đơn vị hành chính. Đây là mô hình khuyến nông dựa vào cộng đồng, huy động sự tham gia của các cấp quản lý, cán bộ khuyến nông, chuyên gia trên từng lĩnh vực, DN, HTX và nông dân để phát huy sức mạnh tổng hợp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp” - ông Thanh nhấn mạnh.

Tại vùng Tứ giác Long Xuyên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao tại An Giang và Đồng Tháp. Trong mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, Lộc Trời hỗ trợ theo hình thức xã hội hóa, tận dụng nguồn lực từ tổ để phát triển diện tích liên kết, mang lại lợi ích cho DN, cán bộ khuyến nông và HTX, nông dân tham gia.

 

NGÔ CHUẨN