Kiến tạo giá trị mới cho thổ cẩm Tây Nguyên

01/04/2023 - 14:13

Thổ cẩm là di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, tinh hoa của nghề dệt thủ công truyền thống.

Trình diễn thời trang “Lụa và thổ cẩm nam Tây Nguyên” bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Bao đời nay, những tấm thổ cẩm vẫn lặng lẽ trao truyền, đổi chác trong những không gian buôn làng. Sự tìm tòi, khám phá bản sắc văn hóa bản địa của những nhà sáng tạo, thiết kế thời trang đã góp phần kiến tạo giá trị mới cho thổ cẩm Tây Nguyên.

Thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, gắn bó với họ suốt cả vòng đời. Con trẻ sinh ra, người mẹ dùng tấm thổ cẩm ủ tròn giấc ngủ; đêm rừng lạnh giá, vợ chồng chung nhau tấm đắp nghĩa tình; thổ cẩm không thể thiếu trong dịp lễ trọng.

Trên những tấm thổ cẩm, người dệt đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm và sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người qua những hoa văn trang trí sinh động. Lấy cảm hứng và ý tưởng sáng tạo từ văn hóa bản địa, các nhà thiết kế đã chắp cánh vẻ đẹp đặc sắc của thổ cẩm Tây Nguyên qua sản phẩm thời trang mang tính ứng dụng.

Với bộ sưu tập áo dài truyền thống Việt Nam, chủ đề “Thiên đường Tây Nguyên”, tại chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam-Hàn Quốc, trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX-năm 2022, nhà thiết kế K’Jona (Lâm Đồng), để lại nhiều ấn tượng với giới thời trang.

Gần 20 thiết kế lấy cảm hứng từ hoa văn thổ cẩm của dân tộc Cơ Ho, kết hợp với vải may áo dài truyền thống, sự tinh tế từ cấu trúc, phom dáng, K’Jona đã tạo ra một cách thức biểu đạt mới cho những tác phẩm áo dài đầy quyến rũ. “Sau sự kiện ấy, toàn bộ thiết kế của mình đã được khách hàng trong nước và nước ngoài mua hết. Mình nghĩ, thổ cẩm đã có giá trị mới thỏa mãn thị hiếu đương đại”, K’Jona cho biết.

Áo dài vẫn là áo dài, thổ cẩm vẫn là thổ cẩm, như cách tư duy thông thường. Nhưng qua sáng tạo của K'Jona, tà áo dài có thêm “ngôn ngữ” thổ cẩm trở nên đặc biệt, bắt nhịp xu hướng thời trang hiện đại, đồng thời ẩn chứa tinh thần văn hóa dân tộc. “Vải thổ cẩm thường chỉ dùng may trang phục cho người bản địa, hoặc làm chân váy, khố và tấm đắp.

Thổ cẩm còn làm sính lễ, vật đổi chác, vì thế chỉ quẩn quanh ở các buôn làng. Thổ cẩm sẽ bay bổng hơn qua sáng tạo, cho nên tôi đã hợp tác để đưa di sản văn hóa này trở nên phổ quát trong đời sống đương đại”, K’Jona chia sẻ.

Sinh năm 1988, là người con của buôn làng Cơ Ho, lớn lên tại vùng đất chất chứa huyền thoại Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng; được mẹ ủ tròn giấc ngủ bởi những tấm thổ cẩm, bởi thế tinh hoa thổ cẩm được bồi đắp trong tâm hồn K’Jona. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp khoa thiết kế thời trang, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, K’Jona sang Malaysia làm trợ lý cho một nhà thiết kế có tiếng tại Kuala Lumpur.

Tại đây, K’Jona được tham gia nhiều tuần lễ thời trang uy tín và được làm việc trong môi trường thời trang chuyên nghiệp, nhưng anh vẫn ấp ủ giấc mơ nâng giá trị cho thổ cẩm dân tộc mình, rộng hơn là với thổ cẩm Tây Nguyên. “Khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thời trang, năm 2019, tôi quyết định trở về quê nhà để biến ước mơ thành hiện thực”, anh K’Jona cho biết.

Anh quyết định khởi nghiệp bằng cửa hiệu áo cưới Jona bridal tại Đà Lạt. Cùng với những sản phẩm áo cưới thông thường, lấy cảm hứng từ những họa tiết thổ cẩm của người Cơ Ho, K’Jona bắt đầu thực hiện những thiết kế kết hợp hiện đại và truyền thống, biến những tấm thổ cẩm mộc mạc thành những trang phục trẻ trung, mang vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa đại ngàn, góp phần thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

K’Jona đã lang thang khắp buôn làng, vùng đất có nghề dệt thổ cẩm phát triển tại Lâm Đồng, như Đam Pao (huyện Lâm Hà), B’Nơh C, Păng Tiêng, Đưng K’Nơh (huyện Lạc Dương) và chính tại quê hương mình, cùng một số buôn làng ở Đắk Lắk, Gia Lai… để tìm tòi, nghiên cứu sắc mầu, hoa văn thổ cẩm nhằm tăng sự đa dạng trong thiết kế. Hiện nguồn nguyên liệu thổ cẩm từ sản phẩm của K’Jona chủ yếu từ Đam Pao. Đây chính là “giấc mơ của chàng trai”, Đam Pao-theo cắt nghĩa của người Cơ Ho là thế. Từ đây, thổ cẩm quyện hòa trong thiết kế thời trang K’Jona.

Hằng tháng, K’Jona mua ở Đam Pao từ 20 đến 40 tấm thổ cẩm phục vụ cho các thiết kế của anh, góp phần làm sống dậy làng nghề truyền thống. “Thổ cẩm của buôn làng mình đã đi xa rồi, mình vui lắm”, bà Ka Niêr đã hơn 90 mùa rẫy, vừa dệt vừa khấp khởi nói. Gần cả đời người gắn với sợi chỉ dệt, đến giờ bà Ka Niêr mới nở nụ cười mãn nguyện, khi thổ cẩm của dân tộc mình theo những bộ sưu tập thời trang đến với bè bạn quốc tế.

Hôm tôi đến, bà Ka Niêr đang cùng con cháu cần mẫn bên khung dệt. Bà bảo: “Ngày xưa, con gái trong buôn này ai cũng biết hái bông, xe sợi và pha mầu từ cây rừng để dệt thổ cẩm. Nghề truyền thống của dân tộc mình mà, con gái phải biết dệt thổ cẩm, đẹp hay xấu là nhờ đôi tay, con mắt để phối mầu, dệt hoa văn”.

Theo bà Ka Niêr, để dệt nên tấm thổ cẩm mang thuộc tính cơ bản của di sản văn hóa tộc người Tây Nguyên phải thực hiện khá nhiều công đoạn, từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm mầu, lên khung và ngồi dệt. Thổ cẩm dân tộc Cơ Ho có mầu trầm chủ đạo, giống người Ê Đê, M’Nông; còn của người Mạ là gam mầu sáng…

Theo nhà nghiên cứu văn hóa nam Tây Nguyên Đặng Trọng Hộ, quan niệm của nhiều dân tộc bản địa Tây Nguyên, mầu sắc trên tấm thổ cẩm thể hiện thế giới quan của họ, mầu trầm tượng trưng cho đất đai; mầu đỏ thể hiện đam mê, khát vọng; mầu xanh là của đất trời, cây lá, tình yêu; mầu vàng là ánh sáng. Trên sắc núi, màu rừng của tấm thổ cẩm đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng, thẩm mỹ, tâm hồn của con người với thế giới tự nhiên.

Kỹ thuật tạo hoa văn chủ yếu dựa vào cách đan sợi, cũng có quy tắc truyền thống, nhưng đôi khi là sự sáng tạo thêm của người dệt. “Thổ cẩm, tinh hoa nghề dệt thủ công truyền thống là thế, nhưng xưa nay chỉ gắn bó theo suốt vòng đời của cư dân bản địa. Bây giờ, nhờ những nhà thiết kế thời trang, giá trị văn hóa và vật chất của thổ cẩm đã được nâng tầm”, ông Đặng Trọng Hộ cho biết.

Trong cửa hiệu Jona bridal tại Đà Lạt, K’Jona tỉ mẩn giới thiệu rất nhiều mẫu thời trang do anh thiết kế. Anh bảo, vừa hoàn thành bộ sưu tập “Cau ùr niăm” (tạm dịch: người con gái đẹp), gồm các mẫu thiết kế váy, áo mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên kết hợp phom thời trang hiện đại. Kỳ công nhất là tác phẩm váy dạ hội đính đá và hoa văn thổ cẩm cho một ứng viên tham dự chung kết Hoa hậu Doanh nhân toàn cầu năm 2023.

Cách đây khoảng 5 năm, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà dân tộc học và nghệ sĩ đã tìm về những buôn làng ở Lâm Đồng, đưa những sợi tơ đũi cho phụ nữ Mạ, Cơ Ho dệt. Ngắm nhìn, mặc thử những sản phẩm và ý tưởng về những bộ sưu tập thời trang lụa thổ cẩm ra đời.

Năm 2018, bên bờ hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, lần đầu thổ cẩm của đồng bào Mạ, Cơ Ho được lên sàn diễn thời trang trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh, cùng tơ lụa Bảo Lộc khoe sắc, đã để lại ấn tượng mạnh trong làng thời trang. “Khi đặt chân đến Lâm Đồng và được khám phá sâu hơn về các dân tộc này, tôi thật sự bị thuyết phục trước tiên là tính hiện đại trên các hoa văn và mầu sắc rất đặc trưng của vùng đồi núi mà họ sinh sống. Tôi đã nhìn thấy được sự thông minh và linh hoạt của họ qua những cảm xúc được dệt trên những tấm thổ cẩm”, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.

Chị đã nối kết các nhà sản xuất lụa Bảo Lộc với vài làng dệt thổ cẩm tại Lâm Đồng để cho ra đời những tấm thổ cẩm cao cấp hơn, mà vẫn giữ được tinh thần của người Mạ, Cơ Ho. Chị K’Diễm, người con dân tộc Cơ Ho, không giấu nổi niềm vui: “Chưa bao giờ thấy thổ cẩm của dân tộc mình đẹp như thế. Hy vọng sẽ có nhiều nhà thiết kế tạo ra các sản phẩm thời trang từ thổ cẩm. Đó là sự giúp sức quan trọng để người dân các buôn làng có thể sống tốt với nghề dệt truyền thống”.

Tháng 10/2019, trong không gian lộng lẫy của sảnh Catherine, tại Khu bảo tồn-bảo tàng Tsarisino, thủ đô Moscow (Nga), những tà áo dài, thiết kế tơ lụa kết hợp thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn-Tây Nguyên, thướt tha qua sự trình diễn của những người mẫu chuyên nghiệp Nga và Việt Nam.

Bộ sưu tập “Bí ẩn chim Phượng” của nhà thiết kế Minh Hạnh đã chinh phục giới thời trang quốc tế, với hơn 70 mẫu thiết kế dựa trên chất liệu thổ cẩm và tơ lụa Việt Nam. Đây là lần thứ ba, nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu các tác phẩm của mình tại Nga: “Qua những bộ sưu tập này, tôi muốn mang sự bí ẩn của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Những buổi trình diễn thời trang như thế, tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam chắc chắn sẽ được lan tỏa”.

Tiếp nối những thành công, năm 2022, nhà thiết kế Minh Hạnh tiếp tục phối hợp tổ chức sự kiện thời trang: “Lụa và thổ cẩm Tây Nguyên” chủ đề “con đường di sản” tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng và “Hẹn nhau giữa đại ngàn Tây Nguyên” tại huyện Kon Plông, Kon Tum. “Điểm hẹn” tại thiên đường xanh Măng Đen cũng là những bộ trang phục áo dài lụa và thổ cẩm các dân tộc bản địa bắc Tây Nguyên, như H’rê, Xê Đăng, Mơ Nâm và Ca Dong...

Thổ cẩm là di sản văn hóa, người làm thiết kế cần tìm hiểu kỹ các yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố lịch sử, những điều gì cấm kỵ để phát triển thời trang hiện đại và sự kết hợp tinh tế góp phần nuôi dưỡng ước mơ khôi phục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên.

Theo Báo Nhân Dân