Kiều bào Việt Nam vui Xuân quê hương trên quê cha, đất tổ

17/01/2020 - 15:11

Chương trình "Xuân Quê hương” - sự kiện thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, từ lâu đã là điểm gặp gỡ cho kiều bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân với thiếu nhi tại chương trình Xuân Quê hương 2019. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tết đến, Xuân về, dù ở nơi đâu, ai cũng mong muốn trở về với nguồn cội, đặc biệt là đối với những người xa xứ. Thấu hiểu điều đó, chương trình "Xuân Quê hương” - sự kiện thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, từ lâu đã là điểm gặp gỡ cho kiều bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới trở về quê hương sum họp đón Tết cổ truyền.

Năm 2020, chương trình sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh vào ngày 18/1/2019, tức ngày 24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi.

Kiều bào có đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Có khoảng 400.000 trí thức kiều bào là những nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, các công ty xuyên quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế.

Nhiều người trong số họ là các du học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được chính quyền sở tại và các viện nghiên cứu vinh danh trên lĩnh vực khoa học.

Đáng chú ý, rất nhiều trí thức kiều bào đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin-viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nanô, năng lượng...

Không chỉ phát triển vững mạnh, có vị thế, vai trò và uy tín nhất định tại nước sở tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang có những đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển tổ quốc. Lượng kiều hối của bà con gửi về cho quê hương khá lớn, trong 2 năm 2016-2017, lượng kiều hối gửi về đạt hơn 25 tỷ USD, năm 2018 là 16 tỷ USD và năm 2019 là 16,7 tỷ USD.

Đáng chú ý là đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây với khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân.

Nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài, các hiệp hội, mạng lưới đã và đang tích cực đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, đồng thời đưa các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Cùng với những đóng góp về vật chất, những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước, tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thiết thực trong các vấn đề phát triển của đất nước, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển công nghệ trong nước.

Nhiều nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới dù tuổi cao vẫn miệt mài đóng góp cho công cuộc phát triển, hợp tác quốc tế về khoa học của đất nước, đào tạo nhiều cán bộ khoa học cho quê hương.

Bên cạnh các hoạt động cá nhân, nhiều hoạt động có tính tổ chức của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác nhau cũng đã đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Nhiều chuyên gia, trí thức đã trực tiếp về làm việc theo lời mời hoặc có chương trình hợp tác cụ thể với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, khu công nghệ cao, các cơ sở kinh tế...

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn là "chất xúc tác" quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân của Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo, bà con kiều bào Việt Nam đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy, lan tỏa và giành được sự yêu mến của bạn bè các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu tại chương trình Xuân Quê hương năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà!"

Tạo mọi điều kiện để kiều bào tham gia phát triển đất nước

Trong những năm qua, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm. Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kiến thức, kinh nghiệm phát triển đất nước, kết hợp được trí thức ngoài nước và trong nước để đẩy mạnh những hoạt động kết nối đổi mới sáng tạo.

Nhà nước thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước.

Nhiều hoạt động lớn dành riêng cho kiều bào cũng được tổ chức như: Chương trình họp mặt kiều bào vào dịp Tết Nguyên đán Xuân Quê hương, chương trình kiều bào về dự Giỗ Tổ… thu hút sự tham dự ngày càng đông đảo của kiều bào, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thu hẹp khác biệt, đóng góp tích cực cho hòa hợp dân tộc.

Đặc biệt, liên tục từ năm 2012, nhằm đáp ứng nguyện vọng và quan tâm của kiều bào, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức 9 đoàn kiều bào ra thăm Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với gần 500 đại biểu kiều bào đến từ các châu lục tham dự.

Kieu bao Viet Nam vui Xuan que huong tren que cha, dat to hinh anh 2

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp mặt các đại biểu, kiều bào về quê đón Tết Nguyên đán, dự chương trình Xuân Quê hương 2019. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Thông qua hoạt động này, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực của kiều bào hướng về biển đảo quê hương đã được triển khai, như ủng hộ hơn 8 tỷ tiền mặt cùng một xuồng chủ quyền trị giá 3,5 tỷ, tặng hiện vật gần 3 tỷ…

Đồng thời, các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông được các hội đoàn người Việt tổ chức ở nhiều địa bàn trên khắp các châu lục; các sản phẩm khoa học và nguồn tài chính đóng góp của các hội cũng góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Nhằm phát huy và thu hút nguồn lực của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để mời các chuyên gia trí thức Việt kiều về dự các diễn đàn.

Đây là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam, các nhà trí thức Việt Nam có điều kiện về nước để đóng góp, hiến kế giúp Chính phủ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (ngày 19/11/2019), phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh cộng đồng kiều bào thực sự là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Tiềm năng và thế mạnh của kiều bào là rất lớn, song cũng cần được khai thác và phát huy một cách hiệu quả hơn. Vì vậy, thời gian tới, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được đổi mới cả về tư duy, phương pháp và cách thức thực hiện trên cơ sở tận dụng sáng tạo chủ trương lớn về đại đoàn kết dân tộc của Đảng.

Ủy ban cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm vừa xây dựng tốt khối đại đoàn kết dân tộc vừa huy động hiệu quả nguồn lực to lớn phục vụ cho đất nước, nhất là trong những lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đầu tư và thương mại.

Bên cạnh nguồn lực kiều hối, cần huy động mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các kiều bào trong việc tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thu hút đầu tư trực tiếp từ người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích kiều bào làm cầu nối cho việc đưa hàng hóa Việt Nam ra các nước./.

Theo MINH HIẾU (Vietnam+)