Kinh tế An Giang vươn tầm phát triển

23/01/2023 - 07:43

 - Nổi tiếng với dãy Thất Sơn hùng vĩ, trong đó Thiên Cấm Sơn là “nóc nhà” của miền Tây, An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế và thời cơ mới để đưa kinh tế vào nhóm đầu vùng đất “Chín Rồng”. Cùng với xác định An Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL, những quy hoạch mới của Trung ương sẽ tạo cơ sở, động lực để tỉnh vươn tầm phát triển.

Quan tâm đất “Chín Rồng”

Nhiệm kỳ 2016-2020, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu để lại dấu ấn đặc biệt, bởi ra đời sau “Hội nghị Diên Hồng” ở vùng ĐBSCL. Sang nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có hàng loạt quyết sách mới cho vùng đất “Chín Rồng”. Đây được xem là cơ hội để các tỉnh trong vùng bứt phá vươn lên, trong đó có An Giang - địa phương có vai trò quan trọng ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Quan điểm của Trung ương là phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, “thuận thiên”. Trong đó, lấy con người làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Toàn vùng nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo ra sự phát triển đột phá. Trong đó, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Chính phủ đặt ra tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư. Trước mắt, phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực. Giai đoạn 2021-2030, kinh tế ĐBSCL tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm; quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so năm 2021.

Để gỡ “điểm nghẽn” cho ĐBSCL, Chính phủ tập trung phát triển hệ thống kết cấu giao thông - vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Cơ hội cho An Giang

Về nông nghiệp, An Giang thuộc một trong 3 tiểu vùng sinh thái được xác định chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên, là vùng sinh thái nước ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng (bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ và một phần các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An). Đây là vùng sinh thái nước ngọt an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng ĐBSCL và quốc gia; phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan, đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho ĐBSCL.

An Giang và Đồng Tháp được xác định là trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt. Chính phủ sẽ có chính sách thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu quy mô lớn, có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Về du lịch (DL), Chính phủ định hướng phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về DL nông nghiệp - nông thôn, DL sinh thái và DL biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu. Trong đó, An Giang đóng góp những khu, điểm DL tầm quốc gia (cù lao Ông Hổ, núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Óc Eo - Ba Thê, núi Sập…).

Đồng thời, đóng góp vào tuyến DL kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế thông qua hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường thủy, đặc biệt là tuyến đường sông dọc theo sông Tiền, sông Hậu kết nối với Phnom Penh, Seam Reap (Vương quốc Campuchia).

Lợi thế này càng được phát huy khi Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm DL trong vùng, liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng DL trên sông Tiền, sông Hậu và cảng DL tàu biển tại các tỉnh ven biển.

Kết nối phát triển

Theo quy hoạch, hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở ĐBSCL có tổng chiều dài khoảng 1.166km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Các trục dọc, gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau), dài khoảng 245km, quy mô 4-6 làn xe; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi), dài khoảng 180km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, dài khoảng 150km, quy mô 4 làn xe.

Các trục ngang, gồm: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài khoảng 191km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, dài khoảng 212km, quy mô 4 làn xe; tuyến cao tốc Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) - Trà Vinh, dài khoảng 188km, quy mô 4 làn xe.

Cùng với cao tốc, Bộ Giao thông vận tải phối hợp các địa phương phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các tỉnh trong vùng, gồm: Tuyến Khánh Bình - Chợ Mới (tỉnh An Giang) - Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), dài khoảng 85km; tuyến An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang (từ Quốc lộ N1 đến Quốc lộ 61C), dài khoảng 130km; tuyến Tiền Giang - Long An - kết nối vào Quốc lộ 50 về TP. Hồ Chí Minh, dài khoảng 30km; tuyến Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) - Ô Môn (TP. Cần Thơ) - Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), dài khoảng 77km.

Bên cạnh đường bộ, Trung ương tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, trong đó có tuyến TP. Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang (khối lượng vận tải khoảng 55,2-58,5 triệu tấn); hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu (khối lượng vận tải khoảng 12,7-15,3 triệu tấn)...

Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, phát triển 13 cụm cảng hàng hóa, đảm bảo tổng công suất hàng hóa thông qua đạt trên 53 triệu tấn/năm; 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực thông qua đạt 31 triệu lượt hành khách/năm…

Việc đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội cùng với tích hợp quy hoạch đồng bộ, sẽ là cơ hội để An Giang tăng tốc phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo hài hòa giữa 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhân dịp đến dự Lễ kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang (22/11/1832 - 22/11/2022), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, những quyết sách mới đối với ĐBSCL là cơ hội lớn cho An Giang. Tỉnh cần tích hợp Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với định hướng và quy hoạch chung của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với vùng ĐBSCL. Khi triển khai tốt quy hoạch, sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.

XUÂN LỘC