Đi làm trong những ngày đầu năm, câu chuyện mà nhiều người quan tâm vẫn là việc thưởng Tết cao hay thấp. Không ít người lấy mức thưởng Tết làm thước đo giá trị công việc và công ty, đồng thời để xác định bản thân có nên gắn bó với công ty hay không.
Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, tôi nghĩ có công ăn việc làm ổn định, nhận được đủ lương đã là điều may mắn, thưởng Tết có một chút cũng là vui rồi.
Trong lúc khó khăn, việc trả đủ lương và có thưởng Tết là nỗ lực đáng ghi nhận của nhiều công ty. (Ảnh minh họa)
Công ty tôi gặp khủng hoảng sau đại dịch COVID-19, tính từ thời điểm tháng 3/2022. Đến cuối năm ấy, tuy còn chậm lương nhưng sếp vẫn đồng ý chi lương tháng 13 cho nhân viên, xem như đây là phần thưởng dành cho những nhân viên đã đồng hành cùng công ty trong suốt thời gian dịch dã.
Tuy nhiên, khoản thưởng Tết này vẫn tạm “neo” lại trong thời gian dài vì công ty dần mất khả năng chi trả lương.
Thực tế, đa số các công ty cùng ngành đã sa thải hàng loạt nhân viên. Việc cắt giảm nhân sự được thực hiện dứt khoát. Những phòng ban không thể hoạt động, dù là do yếu tố khách quan, vẫn buộc phải ngừng hoạt động và nhân viên phải ra đi.
Công ty tôi dù chậm trả lương nhưng sếp vẫn quyết định giữ nguyên nhân sự mà không đưa ra yêu cầu sa thải bất kỳ ai. Đến thời điểm căng thẳng, để giảm bớt gánh nặng, công ty mới quyết định giảm lương bằng hình thức giảm giờ làm. Sếp cũng như các cấp quản lý cũng thường xuyên gửi lời cảm ơn vì sự thông cảm của nhân viên và gia đình họ.
Việc nhận lương nhỏ giọt trong khoảng thời gian dài khiến nhiều người chỉ sống với đồng lương dần không trụ nổi, đành phải rời đi. Những ai đã gắn bó với công ty trên 5 năm hầu hết vẫn cố gắng gồng gánh kinh tế để không rời bỏ.
Trở lại câu chuyện thưởng Tết, dịp cuối năm, tôi chỉ mong được nhận đủ lương, thấy như vậy đã là may mắn chứ nói gì đến chuyện thưởng Tết hay là so đo thưởng ít hay nhiều.
Vào ngày làm việc cuối cùng của năm, tôi nhận được một tháng lương trong số những tháng lương mà công ty đang nợ. Chỉ như vậy cũng khiến tôi cảm thấy được an ủi và bớt đi phần nào lo lắng về chi tiêu trong những ngày Tết.
Đối với tôi, đi làm không chỉ là kiếm tiền trang trải cuộc sống mà còn là sống tốt trong ngôi nhà thứ hai. Bước chân được vào ngôi nhà đó không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi nhiều yếu tố. Yếu tố chủ quan chính là chúng ta phải đủ năng lực để tồn tại ở đây. Yếu tố khách quan ngoài chế độ tiền lương, tiền thưởng còn là môi trường làm việc tốt để chúng ta cảm thấy thoải mái, vui vẻ mỗi ngày.
Nếu đã tìm được ngôi nhà tốt và mong muốn gắn bó lâu dài thì chúng ta phải đồng hành, cảm thông và thấu hiểu để cùng nhau vượt qua thử thách; chứ không phải hễ khó khăn thì chúng ta chọn rời đi, để rồi khi công ty thuận lợi trở lại, chúng ta nuối tiếc vì không được có mặt thời điểm huy hoàng.
Qua việc nhận những khoản lương hiện tại, những khoản tiền thưởng và chế độ đãi ngộ thời gian qua, tôi học được cách đối mặt với những khó khăn và giữ niềm tin vào ngày mai.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Theo AN KHÊ (VTC News)