Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh An Giang (26-8-1945 -- 26-8-2020): 75 năm “Chiến đấu anh hùng - xây dựng sáng tạo”

26/08/2020 - 07:09

 - Ngày 26-8-1945, tại Châu Đốc, tất cả thanh niên tiền phong tham gia khởi nghĩa tập hợp tại “Thành PC” (còn gọi là Thành lính tập). Sau khi lựa chọn lấy 200 người, lãnh đạo khởi nghĩa đứng ra thành lập 1 đại đội, gồm 5 trung đội với tên gọi “Cộng hòa vệ binh” do đồng chí Hùng Cẩm Hòa làm tổng chỉ huy. Đây là đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh.

LLVT tỉnh An Giang có 30 năm kiên cường đấu tranh, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu giành độc lập, giải phóng dân tộc (1945 - 1975). Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), LLVT An Giang luôn phải chiến đấu trong điều kiện tương quan lực lượng chiến trường không có lợi cho mình.

Mặc dù vậy, LLVT tỉnh vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng và phát triển lực lượng, vừa phát triển chiến tranh du kích, vừa xây dựng hậu cần tại chỗ, phối hợp bộ đội chủ lực của khu, mở nhiều trận đánh giành thắng lợi vang dội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, quán triệt nghị quyết của Tỉnh ủy, LLVT tỉnh nhanh chóng được xây dựng, chuyển sang thế chiến lược tiến công trên toàn mặt trận.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng của ta đánh mạnh vào TX. Châu Đốc, thị trấn Tri Tôn và giữ được nhiều giờ, chiếm được nhiều mục tiêu trọng yếu. Tại huyện Tri Tôn, với chiến công 128 ngày đêm trên đồi Tức Dụp, LLVT địa phương anh dũng chiến đấu, đánh lui các đợt tiến công của địch. Chiến công trên đồi Tức Dụp trở thành biểu tượng của LLVT tỉnh, được Trung ương Cục tặng 8 chữ vàng “Kiên cường bám trụ, giữ vững núi Tô”.

Tiếp sau đó là 14 năm xây dựng LLVT vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh (1975-1989). Từ 1975 - 1977 là những năm tháng đầy khó khăn, thử thách đối với lãnh đạo, chính quyền và LLVT địa phương: vừa tiến hành truy quét, tiêu diệt bọn tàn quân, phản động tại các huyện nội địa, vừa tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ biên giới, chống lại bọn Pol Pot xâm lược.

Cuối năm 1978, LLVT tỉnh An Giang vinh dự được Quân khu giao nhiệm vụ nổ súng đầu tiên, mở màn chiến dịch phản công chiến lược trên hướng tiến công chủ yếu của Quân khu 9. Chỉ trong 1 tuần, LLVT tỉnh cùng với đơn vị bạn và cấp trên đánh chiếm hậu cứ cấp trung đoàn và sư đoàn của địch, diệt và bắt sống hàng trăm tên, thu hàng chục tấn vũ khí, góp phần giải phóng 2 tỉnh Kandal và Takeo, cứu hơn 1 triệu người dân Campuchia thoát chết dưới bàn tay Pol Pot. Một bộ phận LLVT tỉnh tiếp tục được phân công tham gia đội quân tình nguyện ở lại giúp bạn xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng đến năm 1988.

Từ sau năm 1986, LLVT tỉnh luôn làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) ngày càng vững chắc. Riêng giai đoạn từ 2015 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tham mưu tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã đạt mục đích, yêu cầu, hoàn thành 100% chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động với công an, bộ đội biên phòng, chủ động xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại với các tỉnh giáp biên như: Takeo, Kandal và tỉnh Kampongspeu, nơi Đội K93 suốt 20 năm qua làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện để hồi hương về nước.

“Những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã không ngừng phấn đấu, đoàn kết, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương và công tác xây dựng Đảng, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đầu nhiệm kỳ đề ra. Kết quả nổi bật là tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, xây dựng LLVT địa phương vững mạnh; xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà” - đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh An Giang khẳng định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Kế thừa thành quả đó, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh An Giang nguyện đoàn kết một lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy sáng tạo, cùng với các lực lượng có liên quan ra sức thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao; xứng đáng với truyền thống “Chiến đấu anh hùng - xây dựng sáng tạo” được trao tặng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

ĐẠI TÁ NGUYỄN VĂN LÈO (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang)

Ngày 2-10-2000, nhân dân và LLVT tỉnh An Giang được Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2005, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tặng LLVT tỉnh An Giang bức trướng 8 chữ vàng “Chiến đấu anh hùng- xây dựng sáng tạo”. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy An Giang tặng bức trướng có nội dung “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, quyết thắng”.