Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Nghệ An bảo đảm an toàn

05/06/2021 - 08:26

Sau 2 ngày diễn ra, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 của tỉnh Nghệ An đã được tổ chức nghiêm túc, an toàn, công tác phòng chống dịch COVID-19 được tất cả các hội đồng thi thực hiện theo đúng hướng dẫn 5K của Bộ Y tế. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An.

Đảm bảo an toàn được đặt lên hàng đầu

Chú thích ảnh

Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc môn thi. 

Với sự tham gia của 36.407 thí sinh tại 70 hội đồng thi với 71 điểm thi, đây được xem là năm có số lượng thí sinh thi vào lớp 10 Nghệ An tăng vượt trội. Trong đó, có 1 Hội đồng thi tại Trường THCS Diễn Bích, huyện Diễn Châu, là điểm thi dành cho 113 thí sinh thuộc đối tượng đang phải giãn cách xã hội. Toàn tỉnh có 1.558 phòng thi, trong đó, mỗi điểm thi có ít nhất 1 phòng thi dự phòng dành cho các đối tượng thuộc diện F1, F2, F3.

Do số lượng thí sinh dự thi tăng gần 1.500 thí sinh so với kỳ thi trước nên Nghệ An đã huy động 5.288 người làm công tác phục vụ cho kỳ thi. Trong đó, số giám thị coi thi là 3.655 người và trên 800 người làm công tác thanh tra, bảo vệ. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã thành lập 4 đoàn thanh  tra lưu động để kiểm tra công tác coi thi tuyển sinh vào lớp 10 tại 21 huyện, thành, thị.

Để đàm bảo an toàn, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Chỉ thị số 19 để tăng cường công tác chỉ đạo và yêu cầu các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan cùng phối hợp để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí để tổ chức thi đảm bảo cho kỳ thi tiến hành thuận lợi, an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế.

Đây cũng là năm thứ 2 Nghệ An tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trong điều kiện dịch COVID-19. Do đó, kỳ thi đã thực hiện song song 2 nhiệm vụ, đó là vừa tổ chức kỳ thi an toàn, làm tốt công tác tuyển sinh, vừa phòng, chống dịch COVID-19.

Đánh giá về kỳ thi, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay được diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Trong đó công tác bảo mật đề thi, an ninh trật tự trường thi được đảm bảo; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các Hội đồng thi thực hiện nghiêm túc và có nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn cho thí sinh cũng như giáo viên làm nhiệm vụ coi thi. Kết thúc 3 buổi thi, có 62 thí sinh vắng thi, không có thí sinh và giám thị vi phạm quy chế thi; đề thi bám sát chương trình, thực hiện đúng theo ma trận đề và có tính phân loại cao.

Đề khó có phân loại được học sinh?

Chú thích ảnh

Thí sinh trao đổi bài thi sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn. 

Với mục đích tổ chức để tuyển chọn học sinh vào lớp 10 công lập, Kỳ thi cũng được đánh giá là khách quan, nghiêm túc. Tuy nhiên, qua hai ngày thi, kỳ thi cũng để lại một số băn khoăn trong thí sinh, phụ huynh và cả giáo viên, đặc biệt xung quanh việc ra đề thi.

Với đề thi Ngữ văn và Ngoại ngữ, thí sinh ra khỏi phòng thi với sự nhẹ nhõm, thì ở môn thi Toán sáng 4/6, không ít thí sinh chưa hài lòng và tỏ ra tiếc nuối. Nhiều thí sinh ở thành phố Vinh, các huyện Hưng Nguyên, Đô Lương và nhiều địa bàn khác trong tỉnh, đã bật khóc ngay khi ra khỏi phòng thi vì không làm được bài.

Tại điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập - một trong những điểm thi “căng” nhất trong tỉnh, thí sinh Trần Hà Linh - Trường THCS Lê Lợi cho biết: Em làm bài được khoảng 75% nhưng chỉ chắc chắn đúng khoảng 60%, còn lại em không tự tin lắm. Theo em, đề năm nay tương đối khó, trong đó khó nhất là câu thứ 5 và câu b, c phần hình.

Sau khi kết thúc đề thi môn Toán, tại nhiều nhóm phụ huynh của các lớp, số phụ huynh “than” con làm được bài không nhiều. Một phụ huynh có con thi vào Trường Trung học phổ thông Lê Viết Thuật cho biết: “Con tôi nói đề thi Toán quá khó”.

Đề tương đối khó, đây cũng là nhận định chung của nhiều thí sinh và giáo viên. Sau khi nghiên cứu đề thi, một số giáo viên đã chia sẻ thẳng thắn về đề thi năm nay. Cô giáo Phạm Thị Liên - một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi học sinh cuối cấp cho biết: Tôi cho rằng đề thi năm nay so với đề thi năm ngoái là hơi khó. Trong đó, câu 3 cách ra đề lòng vòng làm cho học sinh tâm lý khi làm bài. Với đề này tôi nghĩ điểm đại trà sẽ thấp và điểm 10 cũng không dễ.

Cô giáo Nguyễn Thị Vinh, Giáo viên dạy Toán ở Trường Trung học phổ thông Trà Lân (huyện Con Cuông) cũng nhận xét cấu trúc đề Toán năm nay không thay đổi, nhưng cách đặt câu hỏi của đề có phần đổi mới và sáng tạo, đòi hỏi thí sinh phải đọc kỹ những câu vận dụng thực tế mới có thể làm đúng. So với năm trước, đề Toán năm nay có tính phân loại cao hơn hẳn, học sinh học lực trung bình có thể đạt được 4-5 điểm, học sinh học lực khá, giỏi cũng khó đạt điểm tối đa.

Một số ý kiến cũng cho rằng, đề ra khó là sẽ phân loại được thí sinh và là cơ sở để các trường tuyển chọn những thí sinh có chất lượng đầu vào. Tuy vậy, việc ra đề thi quá khó cũng không hẳn là nhận được sự đồng tình. Một giáo viên ở huyện vùng cao chia sẻ: So với những trường trung tâm và thuận lợi, điều kiện dạy và học, chất lượng của học sinh vùng khó thấp hơn nhiều.

Thực tế, trong thời gian qua, để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường và các giáo viên cũng đã tận tâm để ôn thi cho học sinh. Tuy nhiên, nếu đi thi quá khó “vượt tầm” các em thì học sinh khó có thể làm bài tốt. Thú thực, sau một năm học cùng vất vả với học sinh, nếu phải nhận về kết quả quá thấp chúng tôi cũng chạnh lòng.

Môn Tiếng Anh cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế, qua phân tích đề thi Tiếng Anh, nhiều giáo viên cho rằng đề “khó”, một số câu giống như dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT và nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Do đó, để thí sinh đại trà làm tốt và có điểm cao là điều rất khó khăn.

Mục đích của việc ra đề thi lớp 10  vừa để phân hóa được thí sinh nhưng cũng để đánh giá được chất lượng dạy và học ở các nhà trường suốt 4 năm học bậc trung học cơ sở. Trong khi ngành giáo dục đang thực hiện giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, thì việc ra đề thi để các em có tâm lý thoải mái khi làm bài cần phải cân nhắc kỹ càng.

Nhiều học sinh và phụ huynh cũng đề nghị, nếu tổ chức một kỳ thi và ra đề khó hơn những kiến thức trong sách giáo khoa vô hình chung sẽ cổ xúy cho việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và thiếu công bằng với tất cả thí sinh một khi chất lượng dạy và học giữa các trường, giữa các vùng miền ở Nghệ An còn chưa đồng đều.

Vì vậy, đa số ý kiến cho rằng, không nên tạo áp lực cho thí sinh mà ở mỗi đề thi chỉ cần có 1 câu khó nhằm để phân loại học lực khá, giỏi của học sinh sẽ hợp lý hơn và tạo tâm lý thoải mái cho các em khi làm bài thi Nghệ An: Trên 36.400 thí sinh hoàn thành Kỳ thi vào lớp 10 THPT, đề Toán có tính phân hóa cao.

Theo BÍCH HUỆ (Báo Tin Tức)