Kỳ vọng “hồ trữ lũ” Tha La – Trà Sư

11/12/2020 - 06:28

 - Nếu được hỗ trợ đầu tư, “hồ trữ lũ” Tha La - Trà Sư không chỉ giúp giữ lại nguồn nước ngọt tự nhiên, cung ứng cho vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) - vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước, mà còn thích ứng tốt với những biến đổi về dòng chảy, diễn biến lũ. Đây cũng là công trình thuận tự nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.

Tránh lãng phí nguồn nước

Trên tuyến kênh Vĩnh Tế, nối dòng sông Hậu (An Giang) xuống Biển Tây (Kiên Giang), 2 công trình đập Tha La và Trà Sư (Tịnh Biên) đóng vai trò rất quan trọng trong điều tiết lũ của toàn vùng TGLX. Khi mực nước trên kênh Vĩnh Tế lên cao, An Giang và Kiên Giang sẽ thống nhất thời điểm và kế hoạch xả đập, đưa nước vào nội đồng. Tỉnh An Giang vừa được Chính phủ đầu tư 220 tỷ đồng để xây dựng hoàn thành 2 cống mở Tha La và Trà Sư, thay cho đập tràn cao su trước đây. Mỗi đập có 4 cửa đóng - xả, được điều khiển tự động bằng hệ thống điện, đảm bảo vận hành an toàn và nhanh chóng hơn đập tràn cao su.

Tuy nhiên, cống mở Tha La và Trà Sư chỉ giải quyết được bài toán điều tiết lũ. Dòng nước sau khi xả đập gây ngập vùng nội đồng TGLX rồi thoát hết ra Biển Tây. Đến mùa khô, nhiều vùng vẫn bị thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Điển hình như mùa khô hạn năm 2016, hơn 30.000ha đất nông nghiệp vùng TGLX không sản xuất được do thiếu nước và xâm nhập mặn. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải làm sao trữ lũ để điều hòa và quản lý tốt nguồn nước giữa mùa lũ và mùa khô, đảm bảo sinh kế người dân cũng như bảo vệ môi trường.

Trong triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp các tỉnh: Kiên Giang, TP. Cần Thơ và Hậu Giang hình thành kế hoạch phát triển bền vững vùng TGLX. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, An Giang đã xây dựng kế hoạch và đề xuất dự án xây dựng hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng TGLX (gọi tắt là “hồ trữ lũ” Tha La - Trà Sư). Đây là dự án thuận tự nhiên để phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Mô hình “hồ trữ lũ” Tha La - Trà Sư rộng hơn 3.000ha, nằm phía dưới khu vực cống mở Tha La và Trà Sư, giải quyết bài toán quản lý nước chủ yếu cho An Giang, Kiên Giang cũng như vùng TGLX. Mô hình gồm 3 khu vực trữ lũ chính, được bao bọc bởi hệ thống đê, điều tiết nguồn nước vào bởi cống mở Tha La, Trà Sư, điều tiết nguồn nước ra bởi hệ thống cống phía dưới đê. Điều kiện thuận lợi của mô hình là hệ thống đê dọc nối từ cống mở Tha La và Trà Sư xuống phía dưới nội đồng đã được đầu tư xây dựng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, trừ các công trình đã đầu tư, dự án “hồ trữ lũ” Tha La - Trà Sư cần nguồn kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD) để xây dựng hoàn thành.

Hài hòa lợi ích

Đối với khu vực dự kiến triển khai xây dựng hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng TGLX, nông dân đang sản xuất 2 vụ lúa/năm, thực hiện xả lũ tự nhiên. Khi triển khai trữ lũ lại, sẽ kéo dài thời gian ngập từ tháng 9 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Dự án không thu hồi đất người dân nên khi thực hiện, người dân chỉ còn canh tác 1 vụ lúa/năm, ảnh hưởng đến sinh kế của rất nhiều hộ dân trong vùng dự án, tỉnh đã có tính toán đến vấn đề này.

Theo đó, UBND tỉnh đã làm việc và thống nhất cơ bản với doanh nghiệp (DN) đầu tư vào dự án “hồ trữ lũ” Tha La - Trà Sư. Trong vùng dự án, DN sẽ thuê lại đất ruộng của người dân bằng hoặc cao hơn mức thu nhập mà họ có được khi canh tác lúa trong điều kiện bình thường. Trong thời gian trữ lũ (khoảng 4,5 tháng), DN sẽ thả nuôi cá trên đồng.

“Thời gian trữ lũ không đủ vòng đời sinh trưởng của một số loài cá như: cá lóc, rô... DN sẽ ương dưỡng trước, thả vào đồng chủ yếu để vỗ béo, tận dụng nguồn thức ăn phong phú mùa lũ. Thời điểm thu hoạch cá cũng là lúc xả nước từ “hồ trữ lũ” để cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất các vùng hạ lưu (khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm). Nếu trường hợp lũ nhỏ, hệ thống máy bơm điện sẽ bơm nước từ sông vào, đảm bảo mực nước cao theo định mức của hồ trữ lũ; nếu lũ lớn thì xả bớt ra cho đạt định mức” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư thông tin.

Theo tính toán, việc nuôi cá mùa trữ lũ chỉ chiếm khoảng 22% thu nhập của nhà đầu tư. Để đảm bảo nguồn thu ổn định, liên tục, dự kiến sẽ có khoảng 1/3 diện tích “hồ trữ lũ” được lắp đặt hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời, đấu nối để bán điện vào lưới điện quốc gia. Mô hình điện mặt trời kết hợp trồng các loại thủy sinh, phát triển du lịch sinh thái, khám phá cánh đồng mùa nước nổi mang lại khoảng 60% nguồn thu; 18% còn lại đến từ canh tác 1 vụ lúa/năm (2/3 diện tích trồng lúa). Như vậy, việc xây dựng “hồ trữ lũ” đáp ứng các mục tiêu cơ bản là tăng thu nhập cho người dân trong vùng dự án, chuyển nước ngọt thô cho các vùng thiếu nước và phục vụ nước tưới tiêu, sản xuất trong mùa khô.

Tuy nhiên, để An Giang xây dựng được hồ trữ nước ngọt quy mô lớn thuận tự nhiên này, cần thêm nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ trong nước và quốc tế.

Sau khi xây dựng hoàn thành, “hồ trữ lũ” Tha La - Trà Sư có thể phục vụ tưới cho khoảng 30.000ha đất nông nghiệp trong vùng TGLX, giúp tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Hồ nước ngọt quy mô lớn còn góp phần giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hán hạn, xâm nhập mặn

 

NGÔ CHUẨN